Khái niệm, ưu điểm và hạn chế của Công ty cổ phần

Khái niệm, ưu điểm và hạn chế của Công ty cổ phần

Khái niệm, ưu điểm và hạn chế của Công ty cổ phần

Hiện nay, Mô hình công ty cổ phần là mô hình được nhiều nhà đầu tư lựa chọn để thành lập doanh nghiệp, thực hiện hoạt các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì thế, những hiểu biết cơ bản về mô hình công ty cổ phần trong đời sống hiện nay là cần thiết. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về Công ty cổ phần, cụ thể là những ưu điểm và hạn chế của mô hình doanh nghiệp này.

1. Khái niệm công ty cổ phần:

Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014:

a) Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:

– Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;

– Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;

– Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

– Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật Doanh nghiệp như sau:

+ Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác;

+ Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ phần sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông sau 3 năm mọi hạn chế đối với cổ đông sáng lập bị bãi bỏ
b) Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
c) Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần các loại để huy động vốn.

2. Ưu điểm của công ty cổ phần:

Hiện nay, công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp có ưu điểm vượt trội hơn so với những loại hình doanh nghiệp khác. Những ưu điểm này được thể hiện ở các khái cạnh sau đây:

a.Tư cách pháp nhân của công ty cổ phần

Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty cổ phần có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác vì thế có sự phân định rõ ràng giữa tài sản của các cổ đông và tài sản của công ty. Trong quá trình hoạt động, công ty sẽ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty bằng chính tài sản của mình. Với tư cách chủ thể là pháp nhân thông qua người đại diện của mình theo qui định của pháp luật, công ty có thể trở thành nguyên đơn hoặc bị đơn dân sự trong các quan hệ tranh tụng tại tòa án. Người đại diện công ty cổ phần ký trong hợp đồng, tham gia giao dịch với tư cách nhân danh công ty, vì lợi ích công ty.

b.Trách nhiệm tài sản của công ty cổ phần

Trách nhiệm tài sản là yếu tố được các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu khi lựa chọn hình thức thành lập công ty vì trách nhiệm tài sản là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các nhà đầu tư.

Khi một tổ chức hay cá nhân mua cổ phiếu của công ty cổ phần tức là họ đã chuyển dịch vốn của mình theo những phương thức nhất định vào công ty cổ phần và trở thành tài sản thuộc sở hữu của công ty cổ phần, nhưng cổ đông vẫn được hưởng các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ việc góp vốn.

Xuất phát từ sự tồn tại độc lập của công ty cổ phần so với các cổ đông nên công ty cổ phần có các quyền và nghĩa vụ về tài sản riêng, do đó các rủi ro của cổ đông khi đầu tư vào công ty cổ phần chỉ giới hạn trong số lượng giá trị cổ phiếu mà cổ đông đó đầu tư. Về tài sản thì các cổ đông không có quyền đối với tài sản của công ty cổ phần nên họ không chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty cổ phần; công ty cổ phần chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của mình. Cả công ty cổ phần lẫn chủ nợ của công ty đều không có quyền kiện đòi tài sản của cổ đông trừ trường hợp cổ đông nợ công ty do chưa đóng đủ tiền góp vốn hoặc chưa thanh toán đủ cho công ty cổ phần số tiền mua cổ phiếu phát hành.

Ngược lại, khi đầu tư vào công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân thì mức độ rủi ro là vô hạn, nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình kể cả tài sản đầu tư vào doanh nghiệp hay tài sản cá nhân.

Mặt khác, do tính chất chịu trách nhiệm hữu hạn nên công ty cổ phần đã thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư đầu tư vào công ty cổ phần nhiều hơn so với đầu tư vào các loại hình doanh nghiệp khác mà ở đó họ phải chịu trách nhiệm vô hạn. Bất kỳ nhà đầu tư nào cũng hiểu rằng khi mình đầu tư vào công ty cổ phần với tính chất chịu trách nhiệm hữu hạn của cổ đông thì không bao giờ mình bị mất nhiều hơn so với số vốn đã bỏ ra đầu tư vào công ty cổ phần nên họ ít sợ rủi ro hơn người đầu tư vốn vào công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân. Họ luôn phải thấp thỏm lo âu khi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp xấu đi, vì họ có thể mất toàn bộ tài sản bất kỳ khi nào. Chính lợi thế này mà các công ty cổ phần có khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư rất lớn của xã hội vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình .

c. Chuyển nhượng các phần vốn góp trong công ty cổ phần

Hầu hết pháp luật về công ty của các nước trên thế giới đều cho phép chuyển nhượng một cách dễ dàng và tự do các loại cổ phiếu do công ty cổ phần phát hành từ cổ đông sang chủ sở hữu mới. Vì khác với các loại công ty khác, vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Giá trị của mỗi cổ phần gọi là mệnh giá cổ phiếu. Việc góp vốn vào công ty cổ phần được thực hiện bằng cách mua cổ phiếu nên cổ phiếu được xem là hình thức thể hiện phần vốn góp của các cổ đông. Các cổ phiếu do công ty cổ phần phát hành là hàng hóa nên các cổ đông khi sở hữu cổ phiếu có thể tự do chuyển nhượng. Ngoài ra, do trách nhiệm của các cổ đông chỉ giới hạn trong phạm vi giá trị các cổ phiếu mà họ sở hữu nên khi họ muốn bán cổ phiếu của mình cho người khác thì họ thực hiện rất dễ dàng. Trừ trường hợp, trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì khi cổ đông muốn chuyển nhượng cổ phần phổ thông cho người không phải cổ đông sáng lập thì cần được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông, và cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác.

d. Cấu trúc vốn và tài chính của Công ty cổ phần

Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp có cấu trúc vốn và tài chính linh hoạt nhất trong các loại hình doanh nghiệp hiện nay.
Với đặc trưng là loại hình công ty đối vốn, quyền lực trong công ty cổ phần sẽ thuộc về những ai nắm giữ phần lớn số vốn trong công ty. Trong quan hệ với bên ngoài, vốn của công ty cổ phần là một dấu hiệu chỉ rõ thực lực tài chính của công ty. Tuy nhiên, khác với nhiều yếu tố khác, vốn trong công ty cổ phần là yếu tố năng động nhất. Theo các quy định của Luật Doanh nghiệp thì công ty cổ phần ở Việt Nam có thể phát hành nhiều loại cổ phiếu khác nhau như: cổ phiếu phổ thông, cổ phiếu ưu đãi (trong cổ phiếu ưu đãi có: cổ phiếu ưu đãi biểu quyết, cổ phiếu ưu đãi cổ tức, cổ phiếu ưu đãi hoàn lại và các loại cổ phiếu ưu đãi khác…) và các loại trái phiếu. Đây sẽ là những loại chứng khoán được phát hành rộng rãi ra công chúng nhằm tăng khả năng thu hút vốn đầu tư cho kinh doanh của công ty. Ngoài ra, khi xây dựng giá trị các cổ phiếu của công ty thì các công ty thường xác lập mệnh giá của cổ phiếu thấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà đầu tư dù cho khả năng tài chính không nhiều nhưng vẫn có khả năng tham gia đầu tư vốn vào công ty cổ phần. Việc phát hành cổ phiếu ra công chúng đã làm tăng khả năng huy động vốn của công ty và đây là một điểm đặc biệt của công ty cổ phần.

3. Nhược điểm của công ty cổ phần:

Bên cạnh những ưu điểm, lợi thế nêu trên, loại hình Công ty cổ phần cũng có những hạn chế nhất định, có thể tóm gọn lại như sau

– Việc quản lý và điều hành Công ty cổ phần rất phức tạp do số lượng các cổ đông có thể rất lớn, có nhiều người không hề quen biết nhau và thậm chí có thể có sự phân hóa thành các nhóm cổ động đối kháng nhau về lợi ích.

– Việc thành lập và quản lý Công ty cổ phần cũng phức tạp hơn các loại hình công ty khác do bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật, đặc biệt về chế độ tài chính, kế toán.

–  Đối với mô hình công ty cổ phần, các doanh nghiệp có thể là doanh nghiệp lớn hoặc rất lớn nên việc thành lập, hoạt động cũng tốn kém chi phí hơn các loại hình doanh nghiệp khác.

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ROYAL – UY TÍN TẠO RA SỰ KHÁC BIỆT

Website: http://royallaw.vn

Địa chỉ: Phòng 802, Tòa nhà HH2 – Bắc Hà, Phố Tố Hữu, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội, Việt Nam

Fanpage: https://facebook.com/royallawfirm

Hotline: 0989.337.688

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Trân trọng./.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khách hàng tiêu biểu