XỬ LÝ TÀI SẢN THẾ CHẤP TẠI NGÂN HÀNG

XỬ LÝ TÀI SẢN THẾ CHẤP TẠI NGÂN HÀNG

      Thế chấp là một trong những biện pháp bảo đảm mà ta vẫn thường gặp nhất trong những giao dịch dân sự hay là những nghiệp vụ kinh doan được quy định tại Điều 317 Bộ luật dân sự năm 2015. Thế chấp theo đó được hiểu là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp)”. Thế chấp tài sản tại các ngân hàng là việc bên vay (hay còn gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ và không giao tài sản cho ngân hàng.

      Giải đáp câu hỏi “Khi nào ngân hàng được xử lý tài sản thế chấp?” và quy trình thu hồi tài sản tài sản bảo đảm được thực hiện như thế nào sẽ được Royal Law trình bày qua bài viết sau đây.

      Các trường hợp xử lý tài sản được quy định tại Điều 299 Bộ luật dân sự năm 2015.

      “1. Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

      2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.

      3. Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.”

      Việc xử lý tài sản thế chấp theo luật quy định sẽ do các bên thỏa thuận và chọn một trong những phương thức như: Bán đấu giá tài sản; Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản; Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm; Hoặc những phương thức khác.

      Về nguyên tắc, trong mọi trường hợp, ngân hàng phải thông báo bằng văn bản cho bên thế chấp trước khi xử lý tài sản thế chấp. Vậy theo quy định của pháp luật hiện hành, có trường hợp nào ngân hàng được tự ý bán tài sản thế chấp không? Câu trả lời là Có, nếu ngân hàng và bên thế chấp có thỏa thuận cụ thể về việc xử lý tài sản và phương thức xử lý tài sản thế chấp.

      Theo quy định tại Điều 301 Bộ luật Dân sự, trong quá trình ngân hàng xử lý tài sản thế chấp, bên thế chấp hoặc bên thứ ba đang giữ tài sản thế chấp không giao tài sản thì lúc này xuất hiện tranh chấp giữa các bên. Trong trường hợp này, ngân hàng chỉ có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp mà không được phép tự ý bán tài sản thế chấp, sau đó đề nghị cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản thế chấp theo bản án, quyết định của tòa án.

      Như vậy có thể thấy rằng ngân hàng được tự ý bán tài sản thế chấp trong trường hợp có thỏa thuận giữa các bên liên quan về việc xử lý tài sản thế chấpBên cạnh đó, khi xử lý tài sản thế chấp, ngân hàng phải tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan về trình tự thủ tục xử lý tài sản bảo đảm. Trong trường hợp ngân hàng không tuân thủ các quy định như không thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm hoặc tự ý thu giữ tài sản mà không có sự hợp tác của bên thế chấp thì ngân hàng có nguy cơ phải bồi thường thiệt hại (nếu có) cho bên thế chấp và các bên cùng nhận bảo đảm khác.

      Về quy trình thu hồi tài sản bảo đảm, có thể chia làm những bước sau đây:

      – Bước 1: Thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm: Tại thông báo này, những nội dung chính sẽ được đề cập là lý do xử lý tài sản; nghĩa vụ được bảo đảm; mô tả tài sản; phương thức, thời gian, địa điểm xử lý tài sản;

      – Bước 2: Giao tài sản đảm bảo để xử lý: Người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp xử lý tải sản bảo đảm tại Điều 299 BLDS 2015. Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác;

      – Bước 3: Xử lý tài sản bảo đảm, theo những phương thức được nêu trên;

      – Bước 4: Thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản bảo đảm. Điều 307 BLDS 2015 quy định về việc thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản bảo đảm như sau:

      Số tiền có được từ việc xử lý tài sản thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản thế chấp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 308 của Bộ luật này. Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản thế chấp lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì số tiền chênh lệch phải được trả cho bên bảo đảm. Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản thế chấp nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì phần nghĩa vụ chưa được thanh toán được xác định là nghĩa vụ không có bảo đảm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bổ sung tài sản bảo đảm. Bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ được bảo đảm phải thực hiện phần nghĩa vụ chưa được thanh toán.

      Trên là những thông tin pháp luật liên quan đến việc xử lý tài sản thế chấp tại ngân hàng cũng như sơ lược về quy trình xử lý tài sản bảo đảm. Mong là sẽ hữu ích đối với quý bạn đọc, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn một cách chuyên sâu hơn nhé.

 

 


Mọi thông tin yêu cầu tư vấn vui lòng liên hệ:

⚖️ VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ROYAL – Royal law firm

📩Email: vplsroyal@gmail.com

🌏 Website: https://royallaw.vn/

☎️ Hotline: 0989 337 688

Văn phòng Hà Nội:

☎️Điện thoại: (84-24) 3512 2931

🏢Địa chỉ: Tầng 8, P.802 tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 phố Tố Hữu, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Văn phòng thành phố Hồ Chí Minh:

☎️ Điện thoại: (84-28) 2213 5775

🏢Địa chỉ: Lầu 4, tòa nhà Halo Building, số 10 Phan Đình Giót, phường 2, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

Khách hàng tiêu biểu