Việt Nam có nhiều tội phạm do đâu?
Việt Nam có nhiều tội phạm do đâu?
Hiện nay tình hình tội phạm ngày càng gia tăng và có tính chất nguy hiểm, man rợ hơn. Đặc biệt là những vụ giết người hàng loạt- một trong những loại tội phạm nguy hiểm cao trong hình sự như vụ án giết 6 người ở Bình Phước, giết 4 người ở Nghệ An, giết 4 người ở Yên Bái. Đặc điểm chung của những vụ án này là hung thủ đều ra tay tàn độc, thủ đoạn đê hèn và rất chuyên nghiệp.
Năm 2014, số liệu thống kê cho thấy:
- Cả nước đã khởi tố mới 77.913 vụ án, với 121.039 bị can, trong đó có 25.934 vụ với 55.944 bị can liên quan đến tội phạm xâm phạm trật tự xã hội.
- Trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 1.000 vụ giết người do mâu thuẫn nội bộ gia đình, cộng đồng dân cư. Đặc biệt, trong đó có khoảng 14 – 15% là các vụ người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau.
- Loại tội phạm có tổ chức gia tăng như: giết người cướp tài sản, tổ chức mạng lưới đánh bạc, cá độ, buôn người, hoạt động mại dâm, buôn bán ma túy xuyên quốc gia.
- Có 26 cảnh sát hy sinh, 210 cảnh sát bị thương khi làm nhiệm vụ do tội phạm chống lại người thi hành công vụ
- Cả nước đang cần đến 3.600 tỷ đồng để xây nhà giam giữ vì hiện còn thiếu đến 26.000 chỗ giam giữ theo quy định.
Dưới đây là một số nguyên nhân tiêu biểu dẫn đến tình trạng tội phạm gia tăng một cách báo động như hiện nay:
1. “Hố sâu ngăn cách” giàu, nghèo quá lớn
Đất nước phát triển hội nhập, tuy nhiên nền kinh tế thế giới đang rơi vào thời kỳ khủng hoảng theo chu kỳ, do đó các nhà sản xuất trong nước, các doanh nghiệp hoặc phá sản, giải thể hoặc không sinh lời liên tục trong nhiều năm. Dẫn đến tình trạng nhiều lao động thiếu việc làm, thất nghiệp triền miên, đời sống xã hội khó khăn, chỉ sống cuộc sống bị hạ thấp. Đây là nguyên nhân chính yếu, bao trùm các nguyên nhân khác “thúc đẩy” tình hình gia tăng tội phạm, đặc biệt là tội phạm nguy hiểm cao độ cho xã hội.
Mặt khác sự đổ vỡ hàng loạt vụ “tín dụng đen” làm phát sinh nhiều vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe, liên quan đến đòi nợ thuê. Nạn “đâm thuê, chém mướn”, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra hàng ngày, hàng giờ, tại nhiều khu vực mất kiểm soát, đây là hệ lụy cao nhất của hố sâu ngăn cách giàu nghèo trong xã hội, khi con người ta bị “bần cùng hóa”.
2. Sự phát triển “chóng mặt” của công nghệ thông tin
Công nghệ thông tin phát triển như vũ bão tạo ra nhiều loại hình dịch vụ viễn thông, internet mới, khó quản lý. Đồng thời xuất hiện hàng loạt mã độc tinh vi, nguy hiểm, có khả năng tấn công mạng, đánh cấp thông tin người dùng qua mạng internet. Nhiều chuẩn mực đạo đức xã hội xuống cấp, công chúng đặc biệt là lớp trẻ đang bị “đầu độc” bởi quá nhiều sản phẩm văn hóa nghe – nhìn, giải trí có nội dung kích động bạo lực trên internet, game online…
3. Nguồn lực đầu tư tài chính cho chương trình phòng chống tội phạm bị cắt giảm
Nguồn lực đầu tư tài chính cho chương trình phòng chống tội phạm bị cắt giảm, tính đến 2014 nguồn ngân sách này đã bị cắt giảm trên 50% do kinh tế khó khăn, eo hẹp. Dẫn đến tình trạng tội phạm gia tăng cục bộ, các địa phương bị thụ động không bố trí được ngân sách hoặc không có đủ tài chính để chia sẻ ngân sách cho việc phòng chống tội phạm.
4. Hội nhập nền kinh tế thế giới
Nghe có vẻ mâu thuẫn khi nói hội nhập với nền kinh tế thế giới làm gia tăng tỉ lệ tội phạm nhưng đây là sự thật mà chúng ta phải thừa nhận. Việt Nam tham gia các cam kết của tổ chức thương mại thế giới, Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và hình thành cộng đồng ASEAN tạo ra sự phức tạp cho xã hội, tội phạm hình sự xu hướng tăng, tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng “vũ khí nóng”, ma túy, giết người, sử dụng công nghệ cao…
Con số thống kê về tội phạm ngày một tăng, tính chất tội phạm ngày càng nguy hiểm, trong khi đó ngân sách hiện đang bị “eo hẹp” do sự phát triển không đồng đều của nền kinh tế. Mỗi người cần tự cải thiện nhận thức, phòng chống tội phạm, bảo vệ chính mình và bảo vệ mình khỏi những nguy cơ, cám dỗ “biến mình” thành tội phạm.
ModRoyal