TRANH CHẤP LỐI ĐI CHUNG
Bà Lê Thị Nhi (Điện Biên) hỏi:
Vợ chồng tôi có 2 mảnh đất nằm kề nhau, năm 2019 chúng tôi đã bán toàn bộ mảnh đất giáp đường phía trước cho vợ chồng ông S Vì không có lối đi ra mảnh đất phía sau nên chúng tôi lập Biên bản thỏa thuận dành một phần đất từ mặt đường kéo dài ra đến phần đất phía sau của vợ chồng tôi. Ghi rõ chiều ngang dài 3m và chúng tôi được dùng lối đi kể cả ông S bán đất cho người khác. Văn bản này được công chứng một lúc với Hợp đồng chuyển nhượng đất. Nay ông S đã bán đất cho ông P, sau khi được sang tên ông P ngăn cản, không cho chúng tôi dùng lối đi này, và yêu cầu phải trả 50 triệu đồng mới được sử dụng phần đất này để làm lối đi. Xin hỏi, giờ vợ chồng tôi có thể bắt ông P trả lại phần đất làm lối đi được không?
Luật sư trả lời:
Theo Điều 254 Bộ luật dân sự năm 2015 về quyền về lối đi qua, nếu bất động sản của vợ chồng bà bị vây bọc bởi các bất động sản khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng thì vợ chồng bà có quyền yêu cầu ông P dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của ông P Bà phải đền bù cho ông P một khoản tương ứng nếu có sự thỏa thuận.
Tuy nhiên, theo dữ liệu bà cung cấp, trước khi chuyển nhượng cho ông P giữa bà và ông S đã ký Biên bản thỏa thuận về phần đất dành làm lối đi cho gia đình bà. Căn cứ theo Điều 245, 246 Bộ luật dân sự năm 2015 thì bà và ông S (chủ sử dụng bất động sản liền kề) có quyền thỏa thuận về việc ông S tự nguyện dành một khoảng đất để làm lối đi cho gia đình bà, thỏa thuận này hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế và quy định của pháp luật.
Tại Điều 247 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định về hiệu lực của quyền đối với bất động sản liền kề. Theo đó, quyền đối với bất động sản liền kề có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân và được chuyển giao khi bất động sản được chuyển giao, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Theo các quy định trên, việc ông bà thỏa thuận “chúng tôi được dùng lối đi kể cả ông S bán đất cho người khác” là phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, Biên bản thỏa thuận này sẽ phát sinh hiệu lực đối với người/bên thứ ba nhận chuyển nhượng lại từ ông S.
Ngoài ra, theo quy định về nguyên tắc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề tại Điều 248 Bộ luật dân sự 2015 thì ông P không được thực hiện hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền – tức gia đình bà trở nên khó khăn.
Như vậy, gia đình bà có quyền sử dụng phần đất đã thỏa thuận với ông S như trong Biên bản thỏa thuận để làm lối đi mà không cần phải đền bù cho ông P.