THỦ TỤC NGƯỜI NƯỚC NGOÀI NHẬN TRẺ LÀM CON NUÔI TẠI VIỆT NAM
Thủ tục người nước ngoài nhận trẻ làm con nuôi tại Việt Nam
1) Điều kiện người nước ngoài được nhận trẻ Việt Nam làm con nuôi
Để được nhận trẻ Việt Nam làm con nuôi, cả người nước ngoài thường trú ở nước ngoài và người nước ngoài thường trú ở Việt Nam đều phải đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 14 của Luật Nuôi con nuôi gồm:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
– Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
– Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
– Có tư cách đạo đức tốt;
– Không thuộc các trường hợp: Đang chấp hành quyết định xử phạt hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; Đang chấp hành hình phạt tù; Chưa được xóa án tích về một trong những tội như mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em…
Ngoài ra, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài còn phải đáp ứng các điều kiện của pháp luật nước người đó thường trú.
2) Người nước ngoài nhận con nuôi đăng ký ở đâu
Thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi được quy định cụ thể tại Điều 9 Luật Nuôi con nuôi và hướng dẫn tại Điều 2 Nghị định 19/2011/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi bởi Nghị định 24/2019/NĐ-CP):
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi;
– Nếu trẻ em có cơ sở nuôi dưỡng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng trẻ em.
Sau khi có quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì Sở Tư pháp sẽ thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi nước ngoài.
3) Lệ phí phải nộp khi người nước ngoài nhận con nuôi
Theo Nghị định số 114/2016/NĐ-CP, Chính phủ quy định cụ thể mức lệ phí khi người nước ngoài đăng ký nhận con nuôi như sau:
STT |
Trường hợp |
Lệ phí |
1 | Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận công dân Việt Nam làm con nuôi | 09 triệu đồng |
2 | Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận công dân Việt Nam làm con nuôi | 4,5 triệu đồng |
3 | Người nước ngoài cư trú ở khu vực biên giới của nưới láng giềng nhận trẻ em Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới Việt Nam làm con nuôi | 4,5 triệu đồng |
4 | Đăng ký nuôi con nuôi tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài |
150 đô la Mỹ |
Ngoài những khoản lệ phí này, người nước ngoài nếu không thường trú ở Việt Nam còn phải trả thêm một khoản tiền bù đắp một phần chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài:
– Chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ khi được giới thiệu làm con nuôi đến khi hoàn thành thủ tục giao nhận con nuôi;
– Chi phí xác minh nguồn gốc của người được giới thiệu làm con nuôi;
– Chi phí giao nhận con nuôi;
– Thù lao hợp lý cho nhân viên của cơ sở nuôi dưỡng.
4) Thủ tục khi người nước ngoài nhận con nuôi
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ của người nhận nuôi: Chuẩn bị 02 bộ:
– Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế (Bản sao);
– Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam;
– Bản điều tra về tâm lý, gia đình;
– Văn bản xác nhận tình trạng sức khoẻ;
– Văn bản xác nhận thu nhập và tài sản;
– Phiếu lý lịch tư pháp;
– Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;
– Tài liệu chứng minh thuộc trường hợp được xin đích danh (nếu có).
Trong đó, hồ sơ của người nước ngoài nhận nuôi phải do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận con nuôi thường trú lập, cấp hoặc xác nhận.
Hồ sơ của người được nhận nuôi: Chuẩn bị 03 bộ
– Giấy khai sinh;
– Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;
– Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;
– Văn bản về đặc điểm, sở thích, thói quen đáng lưu ý của trẻ em;
– Tài liệu chứng minh đã tìm gia đình thay thế trong nước cho trẻ em nhưng không thành…
Ghi chú: Những giấy tờ, tài liệu do cơ quan nước ngoài cấp, lập hoặc xác nhận thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự khi sử dụng ở Việt Nam trừ trường hợp được miễn theo Điều ước quốc tế.
Bước 2: Kiểm tra, xác minh hồ sơ và xác nhận trẻ em có đủ điều kiện
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, tiến hành lấy ý kiến (lập thành văn bản, có chữ ký, điểm chỉ của người được lấy ý kiến).
Sau khi kiểm tra, xác minh, nếu thấy trẻ em đủ điều kiện để làm con nuôi nước ngoài thì Sở Tư pháp xác nhận và gửi Bộ Tư pháp.
Bước 3: Bộ Tư pháp kiểm tra, chuyển hồ sơ của người nhận con nuôi
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra, xử lý hồ sơ của người nhận con nuôi:
– Hết thời hạn tìm gia đình thay thế cho trẻ em, nếu không được người trong nước nhận làm con nuôi thì chuyển hồ sơ cho Sở Tư pháp, nơi trẻ em thường trú để xem xét, giới thiệu trẻ em làm con nuôi.
– Người nhận con nuôi đích danh: Chuyển hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú để trình Ủy ban nhân dân xem xét, quyết định.
Bước 4: Quyết định cho trẻ em được nhận con nuôi nước ngoài
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ do Sở Tư pháp trình, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.
Sau khi có quyết định sẽ thông báo cho người nhận con nuôi đến Việt Nam để làm thủ tục nhận con nuôi.
Người này phải có mặt ở Việt Nam trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo để trực tiếp nhận con nuôi.
Bước 5: Giao nhận con nuôi
Việc giao nhận con nuôi phải được lập thành biên bản, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên và của đại diện Sở Tư pháp.
Sau đó, Bộ Tư pháp gửi quyết định này đến Bộ Ngoại giao để thông báo cho Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài về việc trẻ em được nhận làm con nuôi để thực hiện biện pháp bảo hộ trong trường hợp cần thiết.
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn vui lòng liên hệ:
⚖️ VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ROYAL – Royal law firm
📩Email: vplsroyal@gmail.com
🌏 Website: https://royallaw.vn/
☎️ Hotline: 0989 337 688
Văn phòng Hà Nội:
☎️Điện thoại: (84-24) 3512 2931
🏢Địa chỉ: Tầng 8, P.802 tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 phố Tố Hữu, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Văn phòng thành phố Hồ Chí Minh:
☎️ Điện thoại: (84-28) 2213 5775
🏢Địa chỉ: Lầu 4, tòa nhà Halo Building, số 10 Phan Đình Giót, phường 2, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh