Thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài
Trong pháp luật Việt Nam, “yếu tố nước ngoài” được chính thứ ghi nhận trong Bộ luật Dân sự và một số luật khác. Khoản 2 Điều 663 BLDS năm 2015 quy định các trường hợp thuộc quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài và tại khoản 25 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định và quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực hình sự, Việt Nam chưa có khái niệm vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài. Mặc dù vậy, “yếu tố nước ngoài” trong pháp luật hình sự được thể hiện qua các quy định tại Điều 5 và Điều 6 của BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài là vụ án về tội phạm xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, do người nước ngoài hay pháp nhân thương mại nước ngoài thực hiện; hoặc tội phạm xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, do công dân Việt Nam hay pháp nhân thương mại Việt Nam thực hiện hoặc do người nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài thực hiện, đã xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc lợi ích của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, thẩm quyền điều tra, truy tố được xác định theo thẩm quyền xét xử của Tòa án. Theo quy định của BLTTHS năm 2015, thẩm quyền xét xử của Tòa án các cấp cơ bản gồm: Thẩm quyền theo vụ việc, thẩm quyền theo lãnh thổ và thẩm quyền theo đối tượng.
BLTTHS năm 2015 đã quy định thẩm quyền xét xử (đồng thời là thẩm quyền điều tra, truy tố) đối với vụ án có yếu tố nước ngoài. Theo đó, tương ứng với mỗi “yếu tố nước ngoài” của vụ án, thẩm quyền xét xử được xác định cụ thể như sau:
Một, điểm b khoản 2 Điều 268 quy định: Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án Quân sự cấp Quân khu;
Hai, theo khoản 2 Điều 269 quy định: Bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt Nam thì TAND cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng của bị cáo ở trong nước xét xử. Nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng ở trong nước của bị cáo thì tùy trường hợp, Chánh án TANDTC ra quyết định giao cho TAND Thành phố Hà Nội hoặc TAND Thành phố Hồ Chí Minh hoặc TAND thành phố Đà Nẵng xét xử. Bị cáo phạm tội ở nước ngoài thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự thì Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử theo quyết định của Chánh án Quân sự Trung ương.
Ngoài các quy định xác định một cách trực tiếp thẩm quyền xét xử các vụ án có yếu tố nước ngoài của TAND cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu trên đây thì có những quy định khác, qua đó cũng xác định thẩm quyền xét xử của các Tòa án này đối với các vụ án có yếu tố nước ngoài. Đó là quy định loại trừ những vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của các TAND cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực, cụ thể là các tội xân phạm an ninh quốc gia (điểm a khoản 1 Điều 268), các tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (điểm d, khoản 2 Điều 268). Bằng cách loại trừ như vậy, quy định tại Điều 268 đã xác định thẩm quyền xét xử các tội phạm này thuộc TAND cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu.
Ngoài ra, có một trường hợp phạm tội có tính chất đặc biệt, trong đó có thể có yếu tố nước ngoài, được quy định thẩm quyền xét xử riêng. Đó là trường hợp tội phạm xảy ra trên tài bay, tàu biển của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang hoạt động ngoài không phận hoặc ngoài lãnh hải của Việt Nam quy định tại Điều 270 BLTTH năm 2015.
Như vậy, theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền xét xét xử (đồng thời là thẩm quyền điều tra, truy tố) của TAND cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu. Các cơ quan tố tụng cấp huyện và cấp khu vực hoặc các cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động tố tụng theo quy định của BLTTHS khi phát hiện vụ án có yếu tố nước ngoài phải tiến hành chuyển vụ án cho cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền cấp tỉnh hoặc quân khu.
Tuy nhiên, có một điều hết sức đáng lưu ý. Nếu như các vụ án không có yếu tố nước ngoài được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hoàn toàn ở Việt Nam, do các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam giải quyết theo BLTTHS Việt Nam, thì đối với vụ án có yếu tố nước ngoài có nhiều hoạt động được thực hiện trên cơ sở hợp tác giữa cơ quan tố tụng Việt Nam và cơ quan hữu quan ở nước ngoài, trên cơ sở pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế. Đó là hoạt động tiếp nhận, chuyển giao tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án giữa cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nm với nước ngoài, dẫn độ tội phạm, phối hợp điều tra, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và cưỡng chế tố tụng, thi hành án… Đối với những hoạt động này, tùy theo từng hoạt động mà BLTTHS quy định thẩm quyền cụ thể.
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn vui lòng liên hệ:
⚖️ VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ROYAL – Royal law firm
?Email: vplsroyal@gmail.com
? Website: https://royallaw.vn/
☎️ Hotline: 0989 337 688
Văn phòng Hà Nội:
☎️Điện thoại: (84-24) 3512 2931
?Địa chỉ: Tầng 8, P.802 tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 phố Tố Hữu, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Văn phòng thành phố Hồ Chí Minh:
☎️ Điện thoại: (84-28) 2213 5775
?Địa chỉ: Lầu 4, tòa nhà Halo Building, số 10 Phan Đình Giót, phường 2, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh