PHÂN BIỆT CHI NHÁNH, VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN VÀ ĐỊA ĐIỂM KINH DOANH

PHÂN BIỆT CHI NHÁNH, VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN VÀ ĐỊA ĐIỂM KINH DOANH

Các doanh nghiệp sau một thời gian hoạt động thường có xu hướng mở rộng phạm vi kinh doanh hoặc mở rộng mô hình kinh doanh. Một trong những phương thức mà các doanh nghiệp có thể lựa chọn đó là thành lập chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh. Tuy nhiên, khi tìm hiểu quy định của pháp luật lại thấy xuất hiện thêm văn phòng đại diện. Điều này khiến nhiều khách hàng cảm thấy phân vân, thắc mắc và không biết nên lựa chọn hình thức nào?

Bài viết dưới đây của Văn phòng Luật sư Royal sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về ba loại hình này.

Thứ nhất. Về định nghĩa:

Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, kể cả chức năng đại diện theo uỷ quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp. (khoản 1 Điều 45 Luật doanh nghiệp 2014).

Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo uỷ quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và thực hiện việc bảo vệ các lợi ích đó. Nội dung hoạt động của văn phòng đại diện phải phù hợp với nội dung hoạt động của doanh nghiệp (Văn phòng đại diện không được thực hiện các hoạt động kinh doanh). (khoản 2 Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2014)

 Địa điểm kinh doanh là nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể (khoản 3 Điều 45 Luật doanh nghiệp 2014).

Thứ hai. Về phạm vi thành lập:

  • Chi nhánh có thể được đặt tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;
  • Địa điểm kinh doanh chỉ được thành lập tại cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
  • Văn phòng đại diện hoạt động theo khu vực, có thể ngoài phạm vi lãnh thổ quốc gia, tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp, tổ chức

Thứ ba, về con dấu:

  • Chi nhánh được phép đăng ký và sử dụng con dấu riêng của mình;
  • Địa điểm kinh doanh không được phép đăng ký và sử dụng con dấu riêng.
  • Văn phòng đại diện: Tương tự như chi nhánh, văn phòng đại diện được phép đăng ký và sử dụngg con dấu riêng của mình theo quy định tại khoản 12 Điều 8 Nghị định 99/2016 của Chính Phủ về quản lý và sử dụng con dấu.

Thứ tư, về tổ chức hạch toán, kế toán và kê khai thuế.

  • Chi nhánh có thể lựa chọn hạch toán phụ thuộc hoặc hạch toán độc lập với doanh nghiệp. Do đó, chi nhánh có thể có mã số thuế riêng, hóa đơn riêng trong trường hợp lựa chọn hạch toán độc lập.
  • Địa điểm kinh doanh hoàn toàn phụ thuộc và trụ sở chính, hình thức kê khai thuế tập chung, sử dụng hóa đơn của công ty.
  • Văn phòng đại diện thực hạch toán phụ thuộc thực hiện chức năng giao dịch với khách hàng theo ủy quyền của doanh nghiệp, không tiến hành hoạt động kinh doanh (không trực tiếp bán hàng hóa, không phát sinh doanh thu) thì việc kê khai nộp thuế của Văn phòng đại diện được thực hiện như sau:

+ Đối với lệ phí môn bài. Tiến hành nộp theo quy định của pháp luật.

+ Thuế giá trị gia tăng nếu Văn phòng không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì doanh nghiệp kê khai tập trung tại trụ sở chính. Các hóa đơn đầu vào liên quan đến chi phí hoạt động của Văn phòng (mang tên, mã số thuế của Văn phòng) doanh nghiệp được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào nếu đáp ứng các điều kiện về khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định.

+ Đối với thuế TNCN: Nếu doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng lao động và chi trả lương cho người lao động làm việc tại Văn phòng thì Công ty có trách nhiệm khấu trừ, kê khai nộp thuế TNCN tập trung tại Công ty. Trường hợp Văn phòng trực tiếp chi trả lương cho người lao động thì Văn phòng phải thực hiện đăng ký thuế, khấu trừ, kê khai nộp thuế TNCN cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý Văn phòng.

Thứ năm, về cơ cấu tổ chức và hoạt động.

  • Chi nhánh thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả việc thực hiện hoạt động kinh doanh và chức năng đại diện theo ủy quyền. Chính vì vậy, chi nhánh phát sinh thêm hoạt động báo cáo thuế như công ty (trừ chi nhánh phụ thuộc không phải lập báo cáo tài chính công ty cuối năm).
  • Địa điểm kinh doanh chỉ thực hiện hoạt động kinh doanh do doanh nghiệp chỉ đạo, không có chức năng đại diện theo ủy quyền.
  • Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện theo uỷ quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ lợi ích đó nên văn phòng đại diện không có chức năng kinh doanh. Văn phòng đại diện không được ký các hợp đồng kinh doanh với dấu của VPĐD, nhưng vẫn được ký kết các hợp đồng theo sự ủy quyền của doanh nghiệp đã mở VPĐD đó; hợp đồng đó sẽ đóng dấu doanh nghiệp.

Trên đây là bài viết của Văn phòng Luật sư Royal về phân biệt giữa chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh.

Để được hỗ trợ tư vấn chi tiết xin liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ sau:

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ROYAL

Phòng 802 – tòa nhà Bắc Hà, phố Tố Hữu, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: 04. 3512 2931 – 6294 0932               Fax: 04. 35122930

Email: vplsroyal@gmail.com                   Website: www.royallaw.vn

Hotline: 0989337688