Quy định về bồi thường thiệt hại trong hợp đồng

Bồi thường thiệt hại là hình thức chế tài nhằm khôi phục, bù đắp lợi ích vật chất bị mất của bên bị vi phạm hợp đồng trong thương mại. Chế tài buộc bồi thường thiệt hại được quy định từ Điều 302 đến Điều 307 Luật thương mại năm 2005. Tại khoản 1 Điều 302 Luật thương mại năm 2005 quy định “Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm”.
Căn cứ áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại gồm:
  • Có hành vi vi phạm hợp đồng;
  • Có thiệt hại thực tế;
  • Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.
Chức năng chủ yếu của chế tài bồi thường thiệt hại là bồi hoàn, bù đắp, khôi phục lợi ích vật chất, bên vi phạm phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại vật chất cho bên bị vi phạm. Thiệt hại vật chất ở đây là giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm hợp đồng. Các khoản thiệt hại này phải được tính toán và chứng minh một cách hợp lý mà không phải kê khai khống, không có căn cứ.
Các khoản thiệt hại thực tế, trực tiếp được xác định như sau:
  • Giá trị hàng hóa bị mất mát, hư hỏng;
  • Chi phí đã được sử dụng hay sẽ được sử dụng để phục hồi hay loại bỏ các khuyết tật của hàng hóa như các chi phí liên quan đến việc sửa chữa, tiền chênh lệch giá mua bù hàng hóa của đối tác khác…
  • Khoản tiền mà bên bị vi phạm phải bồi thường và phạt hợp đồng cho bên thứ ba vì hành vi vi phạm hợp đồng của phía bên kia.
Hiện nay, với quy định mới của BLDS năm 2015 tại Điều 13 nguyên tắc bồi thường thiệt hại là cho phép các bên trong hợp đồng được thỏa thuận về mức bồi thường, nếu các bên không có thỏa thuận thì thiệt hại được bồi thường là toàn bộ thiệt hại. Điều 360 BLDS năm 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ cũng quy định hóa cụ thể nguyên tắc trên: Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Một trong những nguyên tắc của BLDS năm 2015 là nguyên tắc tự do, tự nguyên cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được các chủ thể khác tôn trọng. Thỏa thuận về mức bồi thường thiệt hại của các bên trong hợp đồng thương mại phải được tôn trọng vì không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Nếu trong hợp đồng dân sự các bên phải thỏa thuận áp dụng phạt hợp đồng và bồi thường thiệt hại thì mới được áp dụng đồng thời hai chế tài này nếu xảy ra hành vi vi phạm, còn trong hợp đồng thương mại, các bên chỉ cần có thỏa thuận phạt hợp đồng, nếu xảy ra hành vi vi phạm hợp đồng và hành vi đó gây ra thiệt hại thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt hợp đồng và chế tài bồi thường thiệt hại để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Khi thực hiện chế tài bồi thường thiệt hại, nguyên tắc thiện chí, trung thực trong pháp luật dân sự rất được đề cao. Khi xảy ra sự cố, bên bị vi phạm cần phải thực hiện các biện pháp để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra do hành vi vi phạm hợp đồng của phía bên kia. Nếu bên bị vi phạm không áp dụng các biện pháp để hạn chế thiệt hại xảy ra thì bên vi phạm có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường bằng mức thiệt hại đáng lẽ có thể hạn chế được.
Ví dụ: Đối với hoạt động mua bán rau củ, khi bên mua không nhận hàng thì bên bán hàng có thể bán hàng cho bên thứ ba nhằm hạn chế tổn thất cho hàng hóa, vì rau củ là loại hàng hóa dễ hư hỏng – đây là biện pháp để hạn chế thiệt hại cần thiết trong thời điểm này. Sau đó bên bán hàng sẽ sử lý vấn đề bồi thường thiệt hại sau.

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn vui lòng liên hệ:

⚖️ VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ROYAL – Royal law firm

?Email: vplsroyal@gmail.com

? Website: https://royallaw.vn/

☎️ Hotline: 0989 337 688

Văn phòng Hà Nội:

☎️Điện thoại: (84-24) 3512 2931

?Địa chỉ: Tầng 8, P.802 tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 phố Tố Hữu, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Văn phòng thành phố Hồ Chí Minh:

☎️ Điện thoại: (84-28) 2213 5775

?Địa chỉ: Lầu 4, tòa nhà Halo Building, số 10 Phan Đình Giót, phường 2, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh