PHẢN ĐỐI NHÃN HIỆU

Anh Trần Quốc Bảo (Thanh Hóa) hỏi:

Tôi đã được cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Hiện tôi phát hiện có một đơn vị đã đăng ký và được Cục SHTT tiếp nhận đơn đăng ký với nhãn hiệu giống của tôi, vậy tôi phải làm gì?

Luật sư trả lời:

Phản đối nhãn hiệu là một thủ tục pháp lý cho phép cá nhân hoặc tổ chức có thể nộp ý kiến bằng văn bản gửi Cục SHTT yêu cầu không cấp giấy chứng nhận đăng ký cho nhãn hiệu xin đăng ký của người khác tại Việt Nam vì lý do mà cá nhân hoặc tổ chức này cho rằng nếu nhãn hiệu được đăng ký sẽ dẫn tới xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Điều 112 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2022 quy định rõ đối với ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ. Theo đó nguyên tắc áp dụng cơ chế phản đối cấp văn bằng bảo hộ đối với tất cả các quyền sở hữu công nghiệp mà quyền độc quyền của chúng chỉ phát sinh dựa trên cơ sở phải đăng ký: “Kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó. Ý kiến phải được lập thành văn bản kèm theo các tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh…” (Điều 112 Luật sở hữu trí tuệ).

Nếu anh muốn ngăn chặn hoặc chí ít là muốn kéo lùi hoặc làm chậm quá trình xét nghiệm, thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu của người khác thì phản đối chính là phương cách giúp bạn làm điều đó. Phản đối nhãn hiệu phải được lập thành văn bản nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ trong đó nêu rõ nhãn hiệu bị phản đối là nhãn hiệu nào, mang số đơn bao nhiêu cùng với bằng chứng và căn cứ pháp lý mà anh cho rằng nhãn hiệu bị phản đối nếu được cấp sẽ xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của bạn kèm theo căn cứ pháp lý cụ thể nêu trong Luật sở hữu trí tuệ

Thời điểm sớm nhất mà anh có thể nộp đơn phản đối là ngay sau khi nhãn hiệu bị phản đối được được đăng trên Công báo sở hữu công nghiệp và thời điểm muộn nhất là trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ban hành quyết định cấp văn bằng bảo hộ. Như vậy, anh sẽ có ít nhất là 9 tháng để nộp phản đối hoặc thậm chí có thể nhiều hơn tùy thuộc vào tiến độ xét nghiệm của đơn đăng ký nhãn hiệu bị phản đối có đúng hạn hay bị trì hoãn hay không.

Khách hàng tiêu biểu