Những điều cần biết về hợp đồng điện tử
Trước tình hình kinh doanh thương mại thế giới ngày càng phát triển, nhiều phương thức giao dịch khác nhau ra đời. Việc trao đổi dịch vụ, hàng hóa được tiến hành ngày càng trơn tru dựa trên việc sử dụng như công cụ thông tin. Mà hiện nay có thể nhắc đến phương thức giao dịch khá phổ biến là hợp đồng điện tử. Bài viết sau đây, chúng tôi xin được hệ thống và tóm gọn một vài nét chính về loại phương thức này.
Khái niệm hợp đồng điện tử
Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và hướng dẫn thi hành Luật Giao dịch điện tử đã thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử dưới dạng thông điệp dữ liệu. Cụ thể, Điều 33 Luật Giao dịch điện tử quy định “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu”. Hơn nữa, Điều 34 của Luật này khẳng định thêm: “Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu”.
Khoản 12 Điều 4 giải thích “Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử”. Thông điệp dữ liệu thường được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện báo, fax và các hình thức tương tự. Trong khi đó, phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự – khoản 10 Điều 4 Luật này. Như vậy, có thể hiểu hợp đồng điện tử là sự thỏa thuận giữa các bên, thông qua các phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự, nhằm quy định quyền và nghĩa vụ đối với nhau.
Cũng là một trong các loại hợp đồng, hợp đồng điện tử có hiệu lực cũng cần tuân theo Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan. Cụ thể, điều kiện về năng lực chủ thể, điều kiện về sự tự nguyện của chủ thể, điều kiện về mục đích và nội dung của hợp đồng. Ngoài ra, hợp đồng điện tử cần tuân theo những điều kiện khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử
Để hợp đồng điện tử phát sinh hiệu lực pháp luật, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử cần có những đặc điểm riêng sau:
Thứ nhất, thỏa mãn điều kiện về ý chí chủ thể, hợp đồng điện tử có tính xác thực và tính toàn vẹn. Tính xác thực cho phép xác định chủ thể giao kết hợp đồng điện tử. Tính vẹn toàn của thông tin được thể hiện ở chỗ, thông tin còn đầy đủ, chưa bị chỉnh sửa hay bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình lưu trữ, hiển thị, trao đổi chứng từ điện tử. Hiện nay, theo quy định của pháp luật giao dịch điện tử, chữ ký điện tử là yếu tố đóng vai trò đảm bảo tính xác thực và tính toàn vẹn của hợp đồng điện tử.
Trong hợp đồng điện tử, dấu hiệu ký được gọi chung là chữ ký điện tử. Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách logic với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký. Chữ ký điện tử được chứng thực bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử là một phương pháp hữu hiệu trong việc xác định tính xác thực và tính toàn vẹn của hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, các chủ thể tham gia hợp đồng điện tử có quyền lựa chọn sử dụng hoặc không sử dụng chữ ký điện tử, chữ ký điện tử được chứng thực bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử và lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử. Quy định như trên nhằm tôn trọng nguyên tắc tự do ý chí, tự do thỏa thuận của các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng. Chỉ cần các chủ thể đồng ý thỏa thuận và thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung hợp đồng điện tử thì hoàn toàn có thể không cần sử dụng chữ ký điện tử.
Thứ hai, thỏa mãn điều kiện về chủ thể, bên thứ ba tham gia quan hệ hợp đồng điện tử cần đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Ngoài các chủ thể trực tiếp tham gia đàm phán, giao kết hợp đồng, trong quan hệ hợp đồng điện tử còn có sự tham gia của bên thứ ba là các tổ chức cung cấp dịch vụ mạng và các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử, tổ chức đủ điều kiện cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử. Đây là nhóm các tổ chức đóng vai trò quan trọng, mật thiết, đảm bảo cho việc ký kết, thực hiện hợp đồng điện tử diễn ra thông suốt, minh bạch, an toàn, ổn định. Các tổ chức này thực hiện việc gửi, lưu trữ thông tin giữa các bên tham gia hợp đồng điện tử, cung cấp những thông tin cần thiết để xác nhận độ tin cậy của thông điệp dữ liệu trong hợp đồng điện tử. Họ không tham gia vào quá trình đàm phán, giao kết hay thực hiện hợp đồng điện tử, mà tham gia với tư cách là người hỗ trợ nhằm đảm bảo tính hiệu quả và giá trị pháp lý cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử. Nhóm chủ thể này cần đáp ứng các điều kiện về năng lực pháp luật dân sự nói chung và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Thứ ba, sự tương thích của hợp đồng điện tử với điều kiện về hình thức của hợp đồng.
Tự do thoả thuận là một trong những nguyên tắc quan trọng trong giao kết hợp đồng. Điều này có nghĩa là các bên được tự do lựa chọn hình thức thích hợp khi giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn pháp lý trong các giao dịch hợp đồng giữa các bên, nhằm mục đích tạo bằng chứng về hợp đồng đã được giao kết, tạo thói quen thận trọng khi giao kết hợp đồng và ngăn ngừa gian lận, pháp luật chung về hợp đồng đặt ra giới hạn đối với một số loại hợp đồng cụ thể đòi hỏi bắt buộc phải được thiết lập bằng văn bản, hoặc văn bản có công chứng, chứng thực, nếu không hợp đồng đó sẽ không có hiệu lực.
Với những hợp đồng bắt buộc phải lập thành văn bản như hợp đồng khoa học và công nghệ, hợp đồng chuyển giao quyền đăng ký nhãn hiệu, hợp đồng đại diện cho thương nhân…, hợp đồng điện tử hoàn toàn đáp ứng yêu cầu hình thức dưới dạng văn bản của những loại hợp đồng trên.
Tuy nhiên, với những hợp đồng bắt buộc phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực thì hiện nay hợp đồng điện tử chưa thể đáp ứng được điều kiện này bởi chưa có cơ sở pháp lý về việc thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng điện tử. Quy định của pháp luật Việt Nam đang hướng tới số hóa các hoạt động hành chính. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có quy định về chứng thực bản sao điện tử từ bản chính giấy tờ, tài liệu tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ quy định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Vậy, đối với điều kiện về hình thức của hợp đồng, hợp đồng điện tử có thể đáp ứng điều kiện được lập thành văn bản của hợp đồng. Tuy nhiên, hợp đồng điện tử chưa đáp ứng được hình thức được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực bởi thiếu cơ sở pháp lý và đây cũng là một trong những nội dung pháp luật cần hoàn thiện để hợp đồng điện tử có thể phát triển, thực hiện rộng rãi, đem lại nhiều lợi ích cho các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự nói riêng và xã hội nói chung.
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn vui lòng liên hệ:
⚖️ VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ROYAL – Royal law firm
?Email: vplsroyal@gmail.com
? Website: https://royallaw.vn/
☎️ Hotline: 0989 337 688
Văn phòng Hà Nội:
☎️Điện thoại: (84-24) 3512 2931
?Địa chỉ: Tầng 8, P.802 tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 phố Tố Hữu, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Văn phòng thành phố Hồ Chí Minh:
☎️ Điện thoại: (84-28) 2213 5775
?Địa chỉ: Lầu 4, tòa nhà Halo Building, số 10 Phan Đình Giót, phường 2, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh