NGƯỜI DÂN CÓ CẦN ĐỔI GIẤY TỜ TÙY THÂN KHI SÁP NHẬP TỈNH, XÃ
NGƯỜI DÂN CÓ CẦN ĐỔI GIẤY TỜ TÙY THÂN KHI SÁP NHẬP TỈNH, XÃ
Khi các tỉnh, xã tiến hành sáp nhập, nhiều người dân băn khoăn không biết liệu có cần phải thay đổi các loại giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, sổ hộ khẩu hay giấy tờ xe hay không. Việc thay đổi đơn vị hành chính có thể kéo theo những điều chỉnh về thông tin cá nhân trên giấy tờ, ảnh hưởng đến các giao dịch dân sự và hành chính. Vậy trong trường hợp sáp nhập tỉnh, xã, người dân có bắt buộc phải làm lại giấy tờ tùy thân không?
1. Có bắt buộc phải cấp lại giấy tờ tùy thân khi thực hiện sáp nhập?
Theo khoản 1 Điều 21 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, các loại giấy tờ đã được cấp trước khi thực hiện việc sắp xếp, điều chỉnh đơn vị hành chính nếu vẫn còn thời hạn sử dụng theo quy định thì tiếp tục được sử dụng bình thường, không bắt buộc phải đổi.
Đồng thời, tại Điều 10 Nghị quyết số 190/2025/QH15 cũng quy định rõ: “Văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền ban hành, cấp trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà chưa hết hiệu lực hoặc chưa hết thời hạn sử dụng thì tiếp tục được áp dụng, sử dụng theo quy định của pháp luật cho đến khi hết thời hạn hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ, thu hồi bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc cơ quan, người có thẩm quyền”
Đặc biệt, cơ quan chức năng không được yêu cầu tổ chức, cá nhân làm thủ tục cấp đổi giấy tờ khi các giấy tờ này còn trong thời hạn sử dụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Ngoài ra, theo điểm đ khoản 1 Điều 24 Luật Căn cước 2023, việc cấp đổi thẻ căn cước chỉ thực hiện khi có yêu cầu từ người dân do thay đổi thông tin trên thẻ căn cước liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính.
Từ các quy định này, có thể thấy rằng khi thực hiện sáp nhập tỉnh, xã, người dân không bắt buộc phải đổi giấy tờ tùy thân nếu giấy tờ đó chưa hết hạn; đồng thời các cơ quan, tổ chức cũng không được yêu cầu cấp đổi giấy tờ trong trường hợp này, trừ khi pháp luật có quy định cụ thể khác.
2. Quy trình cấp, đổi thẻ Căn cước mới nhất
Công dân có nhu cầu cấp, cấp đổi hoặc cấp lại thẻ căn cước đến cơ quan quản lý căn cước quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 27 Luật Căn cước 2023 thực hiện các bước sau:
Bước 1:
– Công dân đến cơ quan quản lý căn cước của Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi công dân cư trú, trong trường hợp cần thiết, cơ quan công an có thể tổ chức làm thủ tục cấp thẻ căn cước tại các địa điểm khác như xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc ngay tại nơi cư trú của công dân, tùy thuộc vào quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
– Công dân thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, ứng dụng định danh quốc gia lựa chọn thủ tục, kiểm tra thông tin của mình được khai thác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin chính xác thì đăng ký thời gian, địa điểm thực hiện thủ tục tại cơ quan quản lý căn cước của cơ quan có thẩm quyền. Hệ thống sẽ xác nhận và tự động chuyển đề nghị của công dân đến cơ quan quản lý căn cước nơi công dân đề nghị cấp đổi thẻ căn cước;
– Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước là người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi thì hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước phải có giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh là người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi;
-Trường hợp người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, ứng dụng định danh quốc gia thì lựa chọn thủ tục, kiểm tra thông tin của người dưới 06 tuổi trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin chính xác thì người đại diện hợp pháp xác nhận chuyển hồ sơ đề nghị đến cơ quan quản lý căn cước xem xét, giải quyết việc cấp đổi thẻ căn cước.
Bước 2: Công dân cung cấp thông tin gồm họ, chữ đệm và tên khai sinh, số định danh cá nhân, nơi cư trú để người tiếp nhận kiểm tra đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
Bước 3: Cán bộ thu nhận tìm kiếm thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp đổi thẻ căn cước.
– Trường hợp thông tin công dân không có sự thay đổi, điều chỉnh thì sử dụng thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp đổi thẻ căn cước.
– Trường hợp thông tin công dân có sự thay đổi, điều chỉnh thì Cán bộ thu nhận hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước khi thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước.
– Trường hợp công dân không đủ điều kiện đổi thẻ căn cước thì từ chối tiếp nhận và nêu rõ lý do, thông báo về việc từ chối giải quyết thủ tục về căn cước (mẫu CC03 ban hành kèm theo Thông tư số 17/2024/TT-BCA ngày 15/5/2024).
Bước 4: Tiến hành thu nhận vân tay, chụp ảnh khuôn mặt, thu nhận ảnh mống mắt của công dân từ đủ 06 tuổi trở lên.
Bước 5: In Phiếu thu nhận thông tin căn cước cho công dân hoặc người đại diện của người dưới 14 tuổi kiểm tra, ký xác nhận.
Bước 6: Thu thẻ căn cước cũ, thu lệ phí (nếu có) và cấp giấy hẹn trả kết quả giải quyết thủ tục về căn cước cho công dân (mẫu CC02 ban hành kèm theo Thông tư số 17/2024/TT-BCA ngày 15/5/2024 của Bộ Công an).
Bước 7: Nhận kết quả trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước của Công an cấp tỉnh hoặc trả qua dịch vụ bưu chính đến địa chỉ theo yêu cầu.
Trên đây là quy trình cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo quy định để người dân tham khảo.
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn vui lòng liên hệ:
⚖️ VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ROYAL – Royal law firm
📩Email: vplsroyal@gmail.com
🌏 Website: https://royallaw.vn/
☎️ Hotline: 0989 337 688
Văn phòng Hà Nội:
☎️Điện thoại: (84-24) 3512 2931
🏢Địa chỉ: Tầng 8, P.802 tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 phố Tố Hữu, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Văn phòng thành phố Hồ Chí Minh:
☎️ Điện thoại: (84-28) 2213 5775
🏢Địa chỉ: Lầu 4, tòa nhà Halo Building, số 10 Phan Đình Giót, phường 2, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.