Kinh doanh đa cấp – bổ sung tội mới hay xử lý theo tội Lừa đảo?

Kinh doanh đa cấp – bổ sung tội mới hay xử lý theo tội Lừa đảo?

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đến nay, các nội dung của dự thảo Luật đã đạt được sự thống nhất giữa Ủy ban Tư pháp, Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TAND tối cao, VKSND tối cao và các Bộ, ngành hữu quan.

Đáng quan tâm, về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169), do vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nên UBTVQH trình hai phương án:

Phương án 1 là giữ như quy định của BLHS năm 2015, theo đó đối với 03 tội nêu trên, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.  

Phương án 2 là giữ như Dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu TNHS về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 03 tội danh nêu trên.

 “Cả hai phương án đều có điểm chưa hợp lý” là quan điểm của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội). Phó Chánh án TAND TP Hà Nội cho rằng: Phương án 1 chưa phù hợp với nguyên tắc xử lý và chính sách hình sự với người chưa thành niên phạm tội, đã mở rộng phạm vi chịu TNHS của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS cả với tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, ví dụ như Cố  ý gây thương tích.

Còn phương án 2, theo ông Chính, đã phù hợp với chính sách hình sự vì đã thu hẹp phạm vi chịu TNHS của người  từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và phù hợp với tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm trong điều  kiện hiện nay. Tuy nhiên, phương án này lại chưa lý giải được tại sao chọn 3 tội danh nêu trên, mà không chọn tội khác?

Trong khi đó, có những tội có tính chất, mức độ nguy hiểm cao hơn, ví dụ như người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS về Tội trộm cắp tài sản, nhưng không phải chịu TNHS về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; hoặc phải chịu TNHS về tội Khủng bố, nhưng không phải chịu TNHS về tội Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân? Luật cũng không qui định người  từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, dễ bị người khác lợi dụng để thực hiện tội phạm, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự xa hội.

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), lứa tuổi từ 14 đến dưới 16 thực chất chỉ là độ tuổi của những cháu học sinh lớp 8, lớp 9 đang ngồi trên ghế nhà trường, nên việc xử lý như BLHS 2015 là rất nặng. Bà Thủy đề nghị trình Quốc hội hai phương án để biểu quyết. “Quan điểm cá nhân tôi là với những cháu đang ở độ tuổi này thì chỉ xử lý hình sự khi các cháu phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và đặc biệt nghiêm trọng như từ trước tới nay”, bà Thủy nói.

Còn theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), kết quả phiếu thăm dò ý kiến Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 về vấn đề này đã có 67% Đại biểu Quốc hội tán thành quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu TNHS về một số loại tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì còn phải chịu TNHS cả về loại tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng đối với 03 loại tội danh nêu trên. “Theo tôi cần phải ghi nhận kết quả và tôn trọng ý kiến của Đại biểu Quốc hội”, bà Phúc nói.

Báo cáo giải trình cho biết, tiếp thu ý kiến của đa số Đại biểu Quốc hội và theo đề nghị của Chính phủ, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 217a – Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đề nghị cân nhắc chưa nên bổ sung tội mới này vì chưa có báo cáo, đánh giá đầy đủ về lý do, sự cần thiết. “Báo cáo giải trình mới nêu một số vụ việc xảy ra vừa qua gây thiệt hại lớn, bức xúc trong nhân dân, còn nguyên nhân do đâu và xử lý như thế nào thì chưa được giải trình rõ ràng. Bên cạnh đó, BLHS đã bỏ Tội Kinh doanh trái phép, nay lại có thêm tội về Kinh doanh đa cấp trái phép là không phù hợp”, ông Xuyền nói.

Cũng theo ông Xuyền, việc thiết kế khung hình phạt như Dự thảo với mức cao nhất là 5 năm tù, nhẹ hơn rất nhiều so với tội Lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, không cẩn thận, việc bổ sung tội mới này sẽ là nơi trốn để không phải xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đại biểu Quốc hội Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) cho rằng, hành vi kinh doanh đa cấp ngay từ đầu “đã mang dấu hiệu lừa đảo”, vì dùng các thủ đoạn gian dối như mặc quần áo sĩ quan quân đội cao cấp, đi xe biển xanh, quảng cáo rầm rộ, với thủ đoạn, lợi nhuận rất cao… khiến người dân bị mắc lừa. Do đó, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đây không phải là hành vi kinh doanh trái phép, mà ngay từ đầu đã mang dấu hiệu lừa đảo. Về dấu hiệu hoạt động không có giấy phép và hoạt động không đúng nội dung chứng nhận bán hàng đa cấp, theo ông Thức, Bộ luật đã bỏ tội Kinh doanh trái phép, còn dấu hiệu thứ hai cũng rất mơ hồ, tính khả thi không cao, nên phải tính toán lại điều luật này.

Đại biểu Quốc hội Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) đánh giá, thời gian qua, hoạt động kinh doanh đa cấp trá hình đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, diễn ra ở hầu khắp các tỉnh trong cả nước với những thủ đoạn tinh vi như kinh doanh tiền ảo, thực phẩm chức năng, khóa học làm giàu, chăm sóc sức, khỏe trò chơi tài chính…

Hoạt động này đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như vụ Công ty đa thương mại cấp Cộng đồng Việt chiếm đoạt 108 tỷ đồng của 2.929 người dân, Cty Liên kết Việt chiếm đoạt hơn 2.000 tỷ đồng của 42.000 người dân… “Vì vậy, để phòng ngừa, ngăn chặn hậu quả, việc bổ sung quy định loại tội phạm vi phạm quy định kinh doanh theo phương thức đa cấp là cần thiết và phù hợp với thực tiễn hiện nay”, bà Thủy nói.

Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng, cần xử nghiêm người cầm đầu tổ chức và chỉ qui định xử lý hình sự người tham gia nếu đủ cấu thành đồng phạm với người tổ chức, còn những người tham gia mạng lưới thì xem xét có hướng xử lý khác phù hợp.

Phương Thảo

Bản quyền thuộc về: Báo Điện tử Pháp luật & Xã hội

Bài viết chỉ nhằm mục đích thông báo và tuyên truyền pháp luật

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khách hàng tiêu biểu