HÀNH VI XÂM PHẠM QUYỀN ĐỐI VỚI NHÃN HIỆU
Đinh Ngọc Hải (Khánh Hòa) hỏi:
Tôi có đang kinh doanh mặt hàng keo xịt khe bê tông, đã đăng ký nhãn hiệu trên Cục SHTT từ năm 2018. Hiện nay, tôi thấy trên thị trường đang xuất hiện loại keo gần giống với thương hiệu của tôi, có phải là vi phạm không? Tôi phải làm thế nào?
Luật sư trả lời:
Làm giả hoặc đạo nhái lại nhãn hiệu là hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được đăng ký. Hành vi này thường được thực hiện bằng cách sao chép, bắt chước hoặc sử dụng một cách trái phép nhãn hiệu của người khác, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ. Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được quy định tại khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Theo đó, các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
– Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
– Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
– Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
– Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 46/2024/NĐ-CP và khoản 10 Điều 1 Nghị định 126/2021/NĐ-CP cụ thể như sau:
Hành vi vi phạm | Giá trị hàng hóa, dịch vụ | Mức phạt |
Buôn bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu
Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi trên |
Đến 3.000.000 VND | Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 – 2.000.000 |
Trên 3.000.000 – 5.000.000 VND | 2.000.000 – 4.000.000 VND | |
Trên 5.000.000 – 10.000.000 VND | 4.000.000 – 8.000.000 VND | |
Trên 10.000.000 – 20.000.000 VND | 8.000.000 – 15.000.000 VND | |
Trên 20.000.000 – 40.000.000 VND | 15.000.000 – 25.000.000 VND | |
Trên 40.000.000 – 70.000.000 VND | 25.000.000 – 40.000.000 VND | |
Trên 70.000.000 – 100.000.000 VND | 40.000.000 – 60.000.000 VND | |
Trên 100.000.000 – 200.000.000 VND | 60.000.000 – 80.000.000 VND | |
Trên 200.000.000 – 300.000.000 VND | 80.000.000 – 110.000.000 VND | |
Trên 300.000.000 – 400.000.000 VND | 110.000.000 – 150.000.000 VND | |
Trên 400.000.000 – 500.000.000 VND | 150.000.000 – 200.000.000 VND | |
Trên 500.000.000 VND | 200.000.000 – 250.000.000 VND | |
Các hành vi trên | Không có căn cứ xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm | 10.000.000 – 20.000.000 VND |
Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi trên. |
Phạt tiền bằng 1,2 lần mức tiền phạt quy định từ Khoản 1 đến Khoản 12 Điều này nhưng không vượt quá 250.000.000 VND | |
Sử dụng dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trên biển hiệu, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, bao bì hàng hóa | 10.000.000 – 20.000.000 VND |
Ngoài ra, đối với các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã liệt kê ở mục 1 mà giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 100.000.000 và các hành vi vi phạm ở mục 2, cá nhân, tổ chức còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 01 tháng đến 03 tháng.