GÓC KHUẤT CỦA NGHỀ LUẬT SƯ

GÓC KHUẤT CỦA NGHỀ LUẬT SƯ

          Chẳng phải ngẫu nhiên mà nghề luật được coi là một trong những nghề cao quý của xã hội. Với những đặc thù riêng, nghề luật mà tiêu biểu là nghề luật sư đòi hỏi phải có kiến thức vừa sâu, vừa rộng, có kĩ năng, ứng biến nhanh nhạy, kinh nghiệm phong phú. Đặc biệt còn phải có đạo đức và tâm huyết cao . Đó cũng là kết quả dành cho sự nỗ lực không ngừng của bản thân giới luật sư trong quá trình hoàn thiện kỹ năng, nghiệp vụ và xây dựng uy tín, đạo đức nghề nghiệp. 

          Hội nhập kinh tế tạo cho nghề luật sư cơ hội phát triển không ngừng. Thế hệ trẻ hiện nay đang hướng đến nghề luật sư nhiều hơn bởi ánh hòa quang và sứ mệnh cao đẹp của ngành này. Thế nhưng đằng sau những điều tốt đẹp được nhìn thấy, nghề này còn có những câu chuyện nhân tình thế thái, những nỗi buồn, góc khuất của cuộc đời, của số phận con người mà ít ai ngoài nghề có thể hiểu.

          Góc khuất của nghề luật sư! Một lần xin được chạm đến để cùng sẻ chia.

          Những đặc trưng rất riêng của nghề luật sư

          Nghề nào cũng có những đặc trưng, nhưng nghề luật sư không giống như những nghề bình thường khác mà có những đặc trưng rất riêng. Ba đặc trưng của nghề luật sư là:

          Nghề luật sư là nghề chuyên biệt

          Nói luật sư là nghề đặc trưng, chuyên biệt quả không có gì sai. Vì có nhiều ngành nghề khác dù bạn không tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành nhưng có năng khiếu có tư duy hay kỹ năng bạn vẫn sẽ làm được như: Sales, nhân sự, truyền thông,… 

          Tuy nhiên nghề luật sư chỉ dành cho những người được gọi là luật sư. Tức là bạn phải là cử nhân luật, học qua khóa đào tạo luật sư, có thẻ luật sư thì mới có thể hành nghề này được. Nghề này chuyên biệt cả tính chất và chuyên môn phải vững từ trình độ pháp lý, kỹ năng pháp lý và đạo đức nghề luật.

          Tuy nhiên ngược lại, luật sư vẫn có quyền làm trái ngành hoặc làm các công việc liên quan. Đây là một nét đặc trưng cơ bản của nghề luật sư. Không học luật sư thì không thể làm luật sư, nhưng có những người đã có thẻ Luật sư rồi vẫn không hành nghề luật sư.

          Luật sư có thể có nhiều lựa chọn cho con đường nghề nghiệp của mình. Và khi đó thẻ luật sư là công cụ bổ trợ. Có rất nhiều luật sư làm việc trong doanh nghiệp, công ty lớn với tư cách là nhân viên pháp chế, chuyên viên pháp chế, hay làm việc ở các phòng ban pháp chế của ngân hàng,…

          Nghề luật sư là một nghề nghiệp tự do

          Luật sư độc lập trong hành nghề và tự chịu trách nhiệm về hoạt động nghề nghiệp của mình. Vì tính chất tự do của nghề nghiệp nên việc quản lý nhà nước đối với luật sư cũng có những tính chất riêng biệt so với việc quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực thương mại hoặc dịch vụ khác.

          Có một sự thật là, số lượng luật sư được cấp thẻ hành nghề thực tế nhiều hơn số lượng luật sư hành nghề và kiếm sống bởi chính nghề luật sư.Từ đó dẫn đến nguồn cung chuyên nghiệp từ ngành nghề này không đủ cho nhu cầu trên thị trường mặc dù hằng năm số lượng cử nhân luật tốt nghiệp rất nhiều và số lượng hoàn thành khóa đào tạo nghề luật sư cũng không phải ít.

          Nghề luật sư là nghề cung cấp dịch vụ

          Đúng vậy, nghề luật sư là nghề cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Bạn sẽ thường bắt gặp câu slogan hay các tiêu chí làm việc ở các tổ chức, công ty luật như sau: “Công ty luật chúng tôi đi tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, bao gồm tư vấn pháp luật và giải quyết tranh chấp. Hãy liên hệ với chúng tôi khi bạn gặp các vấn đề về pháp lý…” 

          Các dịch vụ được nghề luật sư cung cấp đa lĩnh vực như: Dân sự, Luật doanh nghiệp, Hôn nhân gia đình, Pháp luật lao động,… với đa dạng hình thức: Tư vấn pháp luật, hỗ trợ soạn thảo văn bản, tư vấn rà soát hợp đồng, đại diện theo ủy quyền,…

          Những góc khuất của nghề luật sư

          Hẳn là mỗi nghề đều có những buồn vui, khó khăn đâu riêng nghề luật sư? Đúng vậy. Nhưng góc khuất của nghề luật sư thì rất khác.

          Nghề luật sư thường được báo chí, phương tiện truyền thông mạng xã hội quan tâm

          Nghề luật sư được xem như là một nghề cao quý cho nên luôn được cộng đồng, xã hội tôn trọng, nhưng đồng thời cộng đồng, xã hội cũng có những đòi hỏi rất khắt khe về phẩm chất đạo đức của luật sư. Vì thế, bất kì tin tức nào về luật sư được cho là chưa thật sự phù hợp với chuẩn mực đạo đức của luật sư hoặc khi luật sư tham gia vào một vụ việc pháp lý có tính chất thời sự nào đó thì mọi thông tin về luật sư sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng, xã hội. 

          Xã hội thường có cái nhìn khắt khe hơn với nghề luật sư

          Xuất phát từ đặc thù công việc của luật sư vốn có liên quan đến quy định của pháp luật cho nên những quan niệm, đánh giá của cộng đồng, xã hội về luật sư cũng thường sẽ khắt khe hơn so với những người làm các ngành nghề bình thường khác.Trong giao tiếp cũng như trên những phương tiện truyền thông xã hội, thái độ, văn phong mà luật sư sử dụng phải có sự chừng mực nhất định, các ý kiến cá nhân phải có cơ sở rõ ràng và hình ảnh luật sư cũng không nên quá đời thường để tránh làm mất đi hình ảnh một luật sư chuyên nghiệp, luôn chững chạc và nghiêm túc trong công việc.

          Bên cạnh đó, do là người có kiến thức pháp luật sâu rộng, luật sư cũng cần phải tuân thủ một cách nghiêm chỉnh quy định của pháp luật vì nếu vi phạm pháp luật thì ngoài việc phải gánh chịu các hậu quả pháp lý tương xứng theo quy định của pháp luật vì bất cứ lí do gì thì cộng đồng, xã hội cũng luôn có cái nhìn cực đoan về luật sư hơn so với những người làm các công việc khác trong những tình huống tương tự.

          Nghề luật sư là một nghề vô cùng khó khăn và nguy hiểm 

          Luật sư là người đại diện cho công lý nên không tránh khỏi những mối đe dọa, hiểm nguy có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng từ những những kẻ xấu, những kẻ phạm tội,… Hành trình đi tìm công lý người luật sư phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Thậm chí, có thể vấp phải sự cản trở của các cơ quan, đơn vị chức năng khiến cho việc giải quyết vấn đề trở nên khó khăn và rắc rối hơn. Đã từng có những vụ án nghiêm trọng, luật sư bị thủ tiêu để cho chứng cứ ngủ im.

          Nghề luật sư làm việc không có giờ giấc cố định

          Do tính chất đặc thù của nghề nghiệp, công việc của luật sư sẽ phát sinh vào bất kì lúc nào tùy theo yêu cầu của khách hàng tại từng thời điểm chứ ít khi có được một khung giờ nhất định mỗi ngày. Rõ ràng là các luật sư không thể yêu cầu khách hàng của mình, đặc biệt là những khách hàng nước ngoài có múi giờ ở quốc gia ở quốc gia của họ khách với múi giờ ở Việt Nam, chỉ liên lạc được vào khung giờ hành chính của Việt Nam như đa số các ngành nghề dịch vụ khác. 

          Do đó, trên thực tế đôi khi sẽ cảm thấy rất rảnh nhưng cũng có lúc lại rất bận, dồn dập với nhiều cuộc gọi từ khách hàng. Lịch làm việc bị thay đổi thường xuyên cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến lịch trình cá nhân cũng như thời gian dành cho gia đình. Khi lựa chọn nghề luật sư, luật sư phải luôn trong tư thế sẵn sàng cho những tình huống bất ngờ chẳng hạn như không thể giữ được lịch hẹn gặp mặt với gia đình và bạn bè cũng như phải bất ngờ bỏ lỡ những dịp, sự kiện quan trọng của bạn bè và người thân khi có công việc cần đến.

          Phải làm một số công việc pháp lý mà bản thân không mong muốn thực hiện

          Có những tình huống khó xử thật sự dù không muốn tham gia nhưng luật sư vẫn phải thực hiện cho tròn trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp. 

          Một ví dụ điển hình là khi phải đối đầu, tranh cãi trực tiếp với một số bạn bè luật sư đồng nghiệp của mình nhằm bảo vệ khách hàng trong các vụ kiện mà họ là luật sư bảo vệ quyền lợi của bên đối kháng. Khi ấy, với trách nhiệm của luật sư, dĩ nhiên luật sư phải tìm mọi cách và khả năng mà pháp luật cho phép để giành chiến thắng cho vụ kiện hay ít nhất cũng là giành về cho khách hàng những lợi thế nhất định nào đó trong các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp.Và điều này có thể dẫn đến những sứt mẻ khó có thể hàn gắn trong mối quan hệ với các bạn đồng nghiệp thân quen.

          Hay như khi gặp phải một số khách hàng ăn nói thô lỗ, xem luật sư như tôi tớ, người phục vụ của họ, hay gặp phải những vụ việc pháp lý nào đó không hứng thú, ví dụ như: hiếp dâm, vụ án trốn nợ, giết người, ly hôn, tranh chấp giành quyền nuôi con,v.v… 

          Với trách nhiệm đối với nghề nghiệp luật sư của mình, luật sư buộc phải thực hiện công việc bào chữa cho các khách hàng dù trong thâm tâm họ cảm thấy không mấy nhiệt tình hay thậm chí là muốn từ chối ngay các công việc đó. 

          Không dừng lại ở các trường hợp nêu trên, có một số trường hợp, dù luật sư biết là khách hàng của họ thực hiện một số hành vi nào đó vi phạm quy định pháp luật, nhưng họ lại không quyết liệt khuyên ngăn khách hàng dừng lại các hoạt động đó. Hoặc, luật sư cũng không chịu dừng cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, mà vẫn hỗ trợ khách hàng, dẫn đến rủi ro có khi bị xem là đồng phạm với khách hàng, khi khách hàng bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật. 

          Nghề luật sư không hề dễ sống

          Thực tế cho thấy hằng năm số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành luật tại các trường đại học là con số không nhỏ nhưng không phải ai cũng có thể hành nghề luật sư.Sau thời gian học tập, thực tập theo yêu cầu của ngành, trải qua thời gian và vô số khó khăn, rất nhiều người đã bỏ cuộc, số người theo nghề còn lại rất ít.

          Có các lý do khách quan như sau: 

  • Về khách quan là do hoàn cảnh kinh tế, nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý hạn chế, người dân không đánh giá được vai trò của luật sư.
  • Cơ chế pháp luật đối với luật sư chưa thông thoáng, chưa thật sự tạo điều kiện cho luật sư phát triển nghề.
  • Quá trình hành nghề luật sư gặp không ít sự cản trở của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan có thẩm quyền thông qua những biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà. 
  • Đôi lúc có sự cản trở ngay trong hệ thống pháp luật bởi những quy định còn chưa rõ ràng, thiếu tính khả thi nên số phần trăm luật sư chuyên nghiệp chỉ chiếm một tỷ lệ ít ỏi. 

          Chính những lý do khách quan này, chưa kể lý do chủ quan, đã khiến luật sư muốn sống được với nghề đã phải rất vất vả. Mặt khác, số luật sư thành công sống và giàu lên bằng nghề luật sư lại rất ít ỏi. Thực trạng này cho thấy nghề luật sư thật không hề dễ sống. 

          Nghề luật sư luôn căng thẳng vì áp lực dẫn đến hệ lụy xấu

          Có lẽ sẽ là nói quá khi có ai đó cho rằng áp lực công việc của luật sư có thể dẫn đến căng thẳng, trầm cảm, nghiện rượu, thuốc lá, và thậm chí là ly hôn. Nhưng để trở thành một luật sư chuyên nghiệp, công việc chính của họ là giúp đỡ khách hàng vượt qua những vấn đề pháp lý. 

          Hiểu một cách khái quát, chính luật sư là người nhận về mình rất nhiều phiền toái pháp lý của khách hàng trong cùng một thời điểm.Luật sư vừa phải tìm cách tư vấn cho khách hàng hiểu được các vấn đề pháp lý và những hệ quả, vừa phải nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp để giải quyết các phiền toái pháp lý của khách hàng cho nên công việc sẽ không hề dễ dàng. Trong thực tế, có rất nhiều vấn đề pháp lý phức tạp của khách hàng mà luật sư phải theo đuổi nhiều năm với nhiều công sức bỏ ra để bảo vệ hiệu quả quyền lợi của khách hàng. 

          Ngoài ra, mặc dù luật sư luôn giữ cho mình một cái đầu lạnh và một trái tim nóng trong bất kỳ tình huống khó khăn nào, nhưng những công việc pháp lý của khách hàng không phải lúc nào cũng chỉ xoay quanh các vấn đề pháp mà còn phải giải quyết các vấn đề khác liên quan đến đạo đức, đạo lý của con người mà luật sư cũng không thể nào làm ngơ được. 

          Ngoài ra, những vấn đề khác cũng làm luật sư bị stress và căng thẳng. Ví dụ: 

  • Các cam kết hoàn thành công việc gấp với khách hàng
  • Áp lực phải làm đủ số giờ tính phí khách hàng tiêu chuẩn hàng tháng, quý, năm theo yêu cầu của công ty luật 
  • Các yêu cầu cao của khách thay đổi quá nhanh làm cho luật sư phải cập nhật liên tục
  • Áp lực cạnh tranh với các luật sư đồng nghiệp trong nội bộ công ty… 

          Chính vì vậy nghề luật sư cũng là nghề có tỷ lệ tự sát cao hơn các ngành nghề khác.

          Trên đây là một vài góc khuất đặc trưng cơ bản của nghề luật sư qua góc nhìn của người viết. Hy vọng bài viết sẽ bổ ích đối với những người muốn tìm hiểu về nghề này, cũng như với các bạn có ý theo nghề.

Nguồn dẫn: https://letranlaw.com (Tác giả: Vania Van)

 


Mọi thông tin yêu cầu tư vấn vui lòng liên hệ:

⚖️ VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ROYAL – Royal law firm

📩Email: vplsroyal@gmail.com

🌏 Website: https://royallaw.vn/

☎️ Hotline: 0989 337 688

Văn phòng Hà Nội:

☎️Điện thoại: (84-24) 3512 2931

🏢Địa chỉ: Tầng 8, P.802 tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 phố Tố Hữu, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Văn phòng thành phố Hồ Chí Minh:

☎️ Điện thoại: (84-28) 2213 5775

🏢Địa chỉ: Lầu 4, tòa nhà Halo Building, số 10 Phan Đình Giót, phường 2, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh

Khách hàng tiêu biểu