Giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài bằng Tòa án và trọng tài

Trong bối cảnh quan hệ thương mại quốc tế phát triển, để tạo thuận lợi cho thương nhân hoạt động một cách linh hoạt, các quốc gia đã và đang mở rộng thêm nhiều sự lựa chọn về các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại cũng như không gian pháp lý cho các quan hệ thương mại quốc tế.
Khi một tranh chấp thương mại quốc tế phát sinh, các bên có thể lựa chọn nhiều phương thức giải quyết tranh chấp thương mại khác nhau. Việc lựa chọn một phương thức phù hợp, hiệu quả, giảm tiện chi phí… là mục tiêu mà các bên hướng tới trong đó Trọng tài thương mại cũng đang là một sự lựa chọn mà nhiều quốc gia hướng đến.

Khác với Tòa án là một thiết chế tài phán công, nằm trong hệ thống tư pháp của mỗi quốc gia, Tòa án chọn luật áp dụng luôn phải tuân thủ pháp luật của quốc gia, của Nhà nước nơi có Tòa án theo nguyên tắc Lex Fori. Trọng tài là một thiết chế tài phán tư, các nguyên tắc xét xử tại trọng tài khách quan và linh hoạt hơn, cụ thể, trọng tài giải quyết tranh chấp dựa trên nguyên tắc nền tảng là tôn trọng quyền tự do ý chí của các bên (Party Autonomy) và nguyên tắc áp dụng luật mà trọng tài cho là phù hợp nhất. Điều 4 Luật Trọng tài năm 2010 quy định về nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài: “1. Trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội. 2. Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật. 3. Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình…”.

Khi giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài, cả Tòa án và trọng tài đều phải xác định luật áp dụng đối với 02 vấn đề pháp lý chính:

  • Thứ nhất, luật áp dụng đối với trình tự, thủ tục tố tụng để giải quyết tranh chấp;
  • Thứ hai, luật áp dụng giải quyết nội dung tranh chấp.

Việc lựa chọn luật áp dụng đối với 02 vấn đề trên có mối quan hệ gắn bó với nhau, ảnh hưởng, tác động lẫn nhau và đều dẫn tới những hậu quả pháp lý chung là bản án hoặc phán quyết trọng tài có thể bị hủy bỏ hay bị từ chối công nhận và thi hành ở nước ngoài. Có thể nói, lựa chọn luật áp dụng trong giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế là vấn đề pháp lý quan trọng trong toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp tại các cơ quan giải quyết tranh chấp.

Đối với Tòa án, khi giải quyết tranh chấp thương mại, Tòa án chỉ áp dụng luật tố tụng của chính nước có Tòa án thụ lý xét xử vụ kiện. Do đó, đối với các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài, liên quan đến thương nhân từ các quốc gia khác nhau, việc lựa chọn Tòa án của một bên sẽ không đảm bảo sự khách quan, và có nhiều hạn chế với bên kia. Thực tế cho thấy, trong quan hệ thương mại quốc tế, thương nhân luôn có xu thế tìm tới một phương thức khách quan, trung lập, chuyên nghiệp, am hiểu công việc kinh doanh của họ để giải quyết các mâu thuẫn bất đồng.

Tại trọng tài, việc xác định luật áp dụng về tố tụng trọng tài như các quy định về trình tự, thủ tục tố tụng trọng tài, vấn đề thời hiệu khởi kiện, thành lập hội đồng trọng tài (chỉ định trọng tài viên, tiêu chuẩn, điều kiện trọng tài viên), xét xử trọng tài (thủ tục lấy lời khai, thu thập chứng cứ, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời), thủ tục ra phán quyết, cho đến công nhận và thi hành phán quyết trọng tài… cũng dựa trên 02 nguyên tắc riêng. Cụ thể, một mặt, trọng tài tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong việc xác định luật áp dụng về tố tụng giải quyết tranh chấp. Mặt khác, trường hợp các bên không thỏa thuận được thì trọng tài sẽ áp dụng các quy tắc tố tụng trọng tài của chính tổ chức trọng tài quy chế đó và phù hợp với pháp luật nước nơi thành lập trọng tài, hay là nơi xét xử trọng tài (Lex Arbitri)

Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế về nội dung là vấn đề pháp lý phức tạp mà Tòa án và trọng tài đều gặp những thách thức và khó khăn trong thực tiễn do tính đa dạng của các loại tranh chấp, đa dạng về các nguồn luật áp dụng, tranh chấp liên quan đến nhiều bên, đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Hiện nay, theo các quy tắc của tư pháp quốc tế, việc xác định luật nội dung để giải quyết các tranh chấp thương mại có tính chất quốc tế cũng dựa trên 02 nguyên tắc chính:

Một là, các bên thỏa thuận lựa chọn luật áp dụng về nội dung: Khi giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài, cả Tòa án và trọng tài đều xác định luật áp dụng theo sự thỏa thuận của các bên. Quyền tự do thỏa thuận trong việc xác định luật áp dụng đối với nội dung thể hiện rõ nhất tại khoản 2 Điều 14 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định: “Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, trọng tài áp dụng luật do các bên thỏa thuận”. Tương tự, tại khoản 1 Điều 683 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn luật áp dụng”. Nhìn chung, các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế. Đây là nguyên tắc xuyên suốt trong toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án và trọng tài.

Hai là, Trường hợp các bên không thỏa thuận chọn luật áp dụng: Trong thực tiễn, nhiều trường hợp các bên không thỏa thuận chọn luật áp dụng đối với hợp đồng, hoặc luật do các bên thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng, không được công nhận… Trong trường hợp đó, cơ quan tài phán sẽ xác định luật áp dụng sẽ xác định luật áp dụng để giải quyết tranh chấp hợp đồng.
Một trong những nguyên tắc cơ bản trong việc xác định luật áp dụng đối với hợp đồng trong trường hợp các bên không thỏa thuận luật áp dụng là nguyên tắc luật có mối liên hệ gắn bó nhất. Luật của nước có mối quan hệ gắn bó nhất hay luật có mối liên hệ mật thiết nhất là một trong những hệ thuộc đặc thù trong tư pháp quốc tế được áp dụng để xác định luật áp dụng điều chỉnh các vấn đề thuộc nội dung hợp đồng.

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn vui lòng liên hệ:

⚖️ VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ROYAL – Royal law firm

?Email: vplsroyal@gmail.com

? Website: https://royallaw.vn/

☎️ Hotline: 0989 337 688

Văn phòng Hà Nội:

☎️Điện thoại: (84-24) 3512 2931

?Địa chỉ: Tầng 8, P.802 tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 phố Tố Hữu, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Văn phòng thành phố Hồ Chí Minh:

☎️ Điện thoại: (84-28) 2213 5775

?Địa chỉ: Lầu 4, tòa nhà Halo Building, số 10 Phan Đình Giót, phường 2, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh

Khách hàng tiêu biểu