CON CỦA NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN HƯỞNG DI SẢN CÓ ĐƯỢC HƯỞNG THỪA KẾ THẾ VỊ KHÔNG?
Anh Trần Văn Tuấn (Lục Ngạn, Bắc Giang) hỏi:
Năm 2024, ông nội tôi qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Khi mất, ông để lại một căn nhà và một chiếc xe ô tô là tài sản riêng của ông. Ông nội tôi có 4 người con, bao gồm 2 con trai và 2 con gái. Trong số đó, bác trai cả đã qua đời vào năm 2023 do tai nạn giao thông, trước thời điểm ông nội tôi qua đời.
Khi ông nội tôi lâm bệnh nặng và phải nằm viện trong thời gian dài, bác trai cả không thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng ông. Sau khi ông nội tôi mất, các cô chú trong gia đình đã thảo luận về việc phân chia di sản mà ông để lại. Trong trường hợp này, tôi muốn hỏi: anh chị em họ của tôi (tức các con của bác trai cả) có được hưởng phần di sản thừa kế mà ông nội tôi để lại theo diện thừa kế thế vị hay không?
Luật sư trả lời:
Thừa kế thế vị là gì? Căn cứ tại Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”
Căn cứ tại điểm b khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản” sẽ không được quyền hưởng di sản thừa kế
Cũng tại khoản 2 Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.
Từ các quy định trên, đối chiếu với trường hợp của anh, nếu bác trai cả của anh qua đời trước ông nội anh, thì các con của bác trai cả (tức là cháu của ông nội anh) sẽ được hưởng thừa kế phần di sản mà đáng lẽ bác trai cả còn sống sẽ được hưởng. Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 621 Bộ luật Dân sự, nếu bác trai cả vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng đối với ông nội anh (ví dụ: không chăm sóc, không hỗ trợ chi phí thuốc men, viện phí trong thời gian ông nội anh lâm bệnh nặng), thì bác trai cả sẽ không được quyền hưởng di sản thừa kế từ ông nội anh.
Do đó, dù bác trai cả của anh mất trước ông nội anh, nhưng nếu có chứng cứ chứng minh bác trai cả không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng ông trong thời gian ông lâm bệnh, thì các con của bác trai cả (anh chị em họ của anh) sẽ không được hưởng thừa kế theo diện thừa kế thế vị.