CÓ THỂ CHUYỂN NHƯỢNG ĐƠN ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU HAY KHÔNG
Anh Cao Thiên Sơn (Lào Cai) hỏi:
Tôi vừa nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục SHTT T11/2024, nhưng hiện tại tôi đang bán lại cửa hàng cho một đơn vị thì có thể bán lại cả nhãn hiệu không?
Luật sư trả lời:
Nhãn hiệu – một tài sản vô hình chiến lược của doanh nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu, tạo dựng lòng tin với khách hàng và tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Chính vì vậy, việc chuyển nhượng nhãn hiệu, vì mục đích sáp nhập, mua bán doanh nghiệp, thay đổi hướng kinh doanh hay bất kỳ lý do nào khác, đều đòi hỏi khách hàng phải thực hiện thủ tục chuyển nhượng đơn nhãn hiệu nếu có.
Chuyển nhượng đơn nhãn hiệu là thủ tục pháp lý mà theo đó chủ sở hữu của một nhãn hiệu đang trong quá tình đăng ký nhãn hiệu nhất định quyết định chuyển giao toàn bộ quyền sở hữu của nhãn hiệu đó cho một tổ chức hoặc cá nhân khác. Nói cách khác, đây là quá trình thay đổi chủ sở hữu của một nhãn hiệu đang trong quá trình đăng ký.
Theo khoản 1 Điều 115 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2022 quy định như sau:
“Trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc quyết định cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có các quyền sau đây:
a) Sửa đổi, bổ sung đơn;
b) Tách đơn;
c) Yêu cầu ghi nhận thay đổi về tên, địa chỉ của người nộp đơn;
d) Yêu cầu ghi nhận thay đổi người nộp đơn do chuyển nhượng đơn theo hợp đồng, do thừa kế, kế thừa hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
đ) Chuyển đổi đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu cấp Bằng độc quyền sáng chế thành đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích và ngược lại.”
Như vậy, chủ đơn chỉ có thể làm chuyển nhượng đơn đăng ký nhãn hiệu trong trường hợp chưa cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.
Hồ sơ yêu cầu chuyển nhượng đơn đăng ký nhãn hiệu bao gồm:
– Yêu cầu ghi nhận việc chuyển nhượng đơn làm theo Mẫu số 05 tại Phụ lục II của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định thi hành luật SHTT.
– Tài liệu chuyển nhượng đơn nhãn hiệu (bản gốc hoặc bản sao có chứng thực) phải có các nội dung chủ yếu gồm tên, địa chỉ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng; số đơn được chuyển nhượng hoặc thông tin đủ để xác định đơn đó;
– Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí theo quy định (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp);
– Giấy ủy quyền (trường hợp nộp đơn thông qua đại diện sở hữu trí tuệ ROYAL LAW)
Sau khi chuẩn đầy đủ hồ sơ như trên anh có thể nộp đơn trực tiếp tại Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội; văn phòng đại diện của Cục ở Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng. Hoặc lựa chọn ROYAL LAW để ủy quyền thực hiện chuyển nhượng đơn đăng ký nhãn hiệu.