CHẾ TÀI XỬ PHẠT ĐỐI VỚI HÀNH VI KẾT HÔN CẬN HUYẾT HIỆN NAY NHƯ THẾ NÀO?

Chế tài xử phạt đối với hành vi kết hôn cận huyết

      Tình trạng kết hôn cận huyết diễn ra khá phổ biến ở các vùng dân tộc thiểu số. Từ đó, trở thành một hủ tục làm cản trở sự phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung của đất nước. Hành vi này không chỉ vi phạm về mặt đạo đức và pháp luật, mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác cho xã hội. Hãy cùng Royal Law tìm hiểu kĩ hơn về kết hôn cận huyết và chế tài xử phạt vi phạm khi kết hôn cận huyết qua bài viết sau đây:

1. Kết hôn cận huyết là gì?

          Kết hôn cận huyết được hiểu là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa hai người cùng chung dòng máu trực hệ của một gia đình hoặc gia tộc, tức là cuộc hôn nhân giữa những người cùng chung dòng máu trong phạm vi ba đời.

          Định nghĩa về những người cùng dòng máu về trực hệ được quy định tại khoản 17 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 như sau: “Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.”

          Bên cạnh đó, khoản 18 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng định nghĩa về những người có họ trọng phạm vi ba đời như sau: “Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.”

          Do đó, có thể hiểu kết hôn cận huyết là việc kết hôn giữa những người cùng huyết thống, bao gồm:

          – Những người cùng dòng máu trực hệ với nhau, như cha mẹ với con cái, anh chị em ruột với nhau, ông bà với cháu nội, ngoại.

          – Những người có họ trong phạm vi ba đời, như chú bác với cháu gái, cô dì với cháu trai, anh chị em con chú con bác con cô con dì với nhau.

2. Người kết hôn cận huyết có bị xử phạt vi phạm hành chính hay không?

          Điểm d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng nêu rõ một số hành vi bị cấm trong đó có hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

          Như vậy, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 nghiêm cấm hành vi kết hôn cận huyết. Đối với hành vi này cần xử phạt nghiêm minh và đúng pháp luật.

          Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP:

          “2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

          a) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

          b) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi;”

          Theo đó, hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời (kết hôn cận huyết) sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

3. Kết hôn cận huyết có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

          Hiện nay Bộ luật Hình sự 2015 chưa có quy định cụ thể về tội danh đối với hành vi kết hôn cận huyết. Tuy nhiên hành vi này có thể dẫn đến Tội loạn luân và bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm theo quy định tại Điều 184 Bộ luật Hình sự 2015:

          “Điều 184. Tội loạn luân

          Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

4. Hệ lụy của hành vi kết hôn cận huyết

          Ngoài việc bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì hành vi kết hôn cận huyết còn gây ra những hệ lụy khó lường đối với nền kinh tế và xã hội. Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của phụ nữ và trẻ em, vấn đề duy trì nòi giống và đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội. Trẻ em được sinh ra trong trường hợp kết hôn cận huyết dễ bị dị dạng, mắc các bệnh di truyền hơn những đứa trẻ khác. Còn người mẹ khi mang thai sẽ có nguy cơ cao bị lưu thai hoặc sảy thai làm ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản. Bên cạnh đó kết hôn cận huyết diễn ra phổ biến như một tệ nạn xã hội, làm suy giảm giá trị văn hóa của dân tộc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, nhân lực của xã hội.

          Hành vi kết hôn cận huyệt gây cản trở cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Vì vậy cần có những hành động ngăn chặn và chấm dứt triệt để hủ tục này.

 


Mọi thông tin yêu cầu tư vấn vui lòng liên hệ:

⚖️ VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ROYAL – Royal law firm

📩Email: vplsroyal@gmail.com

🌏 Website: https://royallaw.vn/

☎️ Hotline: 0989 337 688

Văn phòng Hà Nội:

☎️Điện thoại: (84-24) 3512 2931

🏢Địa chỉ: Tầng 8, P.802 tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 phố Tố Hữu, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Văn phòng thành phố Hồ Chí Minh:

☎️ Điện thoại: (84-28) 2213 5775

🏢Địa chỉ: Lầu 4, tòa nhà Halo Building, số 10 Phan Đình Giót, phường 2, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh

Khách hàng tiêu biểu