BỒI THƯỜNG DÂN SỰ TRONG BẢN ÁN HÌNH SỰ
BỒI THƯỜNG DÂN SỰ TRONG BẢN ÁN HÌNH SỰ
Thi hành án dân sự là thủ tục tố tụng cuối cùng trong việc hiện thực hóa các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Không chỉ giới hạn trong các vụ án dân sự, thi hành án dân sự còn được áp dụng trong các vụ án hình sự, cụ thể là việc thi hành phần tiền, tài sản trong bản án, quyết định hình sự. Phạm vi và nội dung của thi hành án dân sự trong các vụ án hình sự khá đa dạng, bao gồm: hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền – tài sản thu lời bất chính, xử lý vật chứng, án phí, thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, bồi thường thiệt hại về tài sản,…
Ngoài các nội dung thi hành án chủ động được quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2022 (“Luật Thi hành án dân sự”) như: hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án, xử lý vật chứng… thì các khoản nghĩa vụ khác trong bản án, quyết định hình sự đều thuộc diện thi hành án theo đơn yêu cầu.
Trong khoảng 03-04 năm gần đây, người dân cả nước chấn động trước những đại án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, chưa từng có trong tiền lệ. “Chuyến bay giải cứu”, “Alibaba”, “Tân Hoàng Minh”, “FLC”, “Vạn Thịnh Phát”… đều là những đại án thu hút sự chú ý của dư luận đã được phanh phui và đưa ra xét xử. Đặc biệt trong đại án “Vạn Thịnh Phát” (giai đoạn 2) xét xử Trương Mỹ Lan và đồng phạm là vụ án nhận được sự chú ý lớn từ cộng đồng, người dân cả nước, với số tiền bồi thường lên đến 30.092 tỷ đồng cho 35.824 bị hại cư trú ở 58 tỉnh thành. Vụ án hiện đã được Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử, tuyên bản án sơ thẩm vào ngày 17 tháng 10 năm 2024.
Đối với phần trách nhiệm dân sự trong các vụ án hình sự nói chung và vụ án Trương Mỹ Lan (giai đoạn 2) nói riêng, các bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cần thực hiện thủ tục thi hành án để nhận lại tiền bồi thường theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Thủ tục yêu cầu thi hành án dân sự phải tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục và thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự theo quy định tại Luật Thi hành án dân sự và các Văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự.
Ảnh: Hoàng Dũng
1. Về bản án, quyết định được thi hành
Theo Điều 2 Luật thi hành án dân sự quy định về những bản án, quyết định được thi hành bao gồm:
“1. Bản án, quyết định quy định tại Điều 1 của Luật thi hành án dân sự đã có hiệu lực pháp luật:
a) Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;
b) Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm;
c) Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án;
d) Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;
đ) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày, kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Tòa án;
e) Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại;
g) Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
2. Những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị:
a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc;
b) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.”
Điều 343 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 cũng quy định về hiệu lực của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không có kháng cáo, kháng nghị, cụ thể:
“Bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.”
Theo đó, ngoài những bản án, quyết định hình sự phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án sẽ có hiệu lực thi hành ngay thì đối với bản án, quyết định hình sự hoặc phần bản án, quyết định hình sự của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm cũng có hiệu lực pháp luật được thi hành án theo Luật Thi hành án dân sự.
Về nguyên tắc, bản án, quyết định được tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự khi bản án, quyết định đó còn thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Theo Điều 30 Luật Thi hành án dân sự quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án, thì:
“1. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.
Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
2. Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.
3. Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.”
Theo đó, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Bản án, Quyết định có hiệu lực pháp luật. Trường hợp Bản án, Quyết định chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay thì thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự vẫn được tính từ ngày Bản án, Quyết định có hiệu lực pháp luật.
Trong trường hợp do sự kiện bất khả kháng dẫn đến việc không thể yêu cầu thi hành án trong thời hiệu quy định trên thì đương sự có quyền đề nghị Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu thi hành án.
Lưu ý, trường hợp hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng thì cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục sung quỹ nhà nước.
“1. Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:
a) Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở;
b) Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương nơi cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có trụ sở;
c) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở;
d) Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện nơi khác, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác.
2. Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:
a) Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cùng địa bàn;
b) Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao;
c) Quyết định của Tòa án nhân dân tối cao chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh;
d) Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài được Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;
đ) Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại;
e) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh;
g) Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự nơi khác hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác;
h) Bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện quy định tại khoản 1 Điều này mà thấy cần thiết lấy lên để thi hành;
i) Bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp về thi hành án.
….”
Theo đó, đương sự cần lưu ý về thẩm quyền thi hành án để xác định được thẩm quyền tổ chức thi hành bản án, quyết định để ghi vào mục “kính gửi” trong mẫu đơn yêu cầu thi hành án.
Tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự quy định như sau:
“1. Đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan.
Ngày yêu cầu thi hành án được tính từ ngày người yêu cầu nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.
2. Đơn yêu cầu phải có các nội dung sau đây:
a) Tên, địa chỉ của người yêu cầu;
b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;
c) Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;
d) Nội dung yêu cầu thi hành án;
đ) Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có;
e) Ngày, tháng, năm làm đơn;
g) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân, nếu có.
…..”
Như vậy, theo quy định trên, đương sự bao gồm Người được thi hành án và Người phải thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác có đầy đủ năng lực trách nhiệm dân sự hoặc ủy quyền cho luật sư để yêu cầu thi hành án.
Đối với trường hợp nộp đơn yêu cầu thi hành án thì cần phải có đầy đủ các nội dung như quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Thi hành án. Mẫu đơn chi tiết có thể tham khảo tại Mẫu số: D01-THADS Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2023/TT-BTP ngày 14/8/2023 của Bộ Tư pháp.
Sau khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án, trong thời hạn 05 ngày làm việc Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án. Quyết định thi hành án có thông tin về người thi hành án, nội dung phải thi hành án và phân công Chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ. Người thi hành án có trách nhiệm tự nguyện thi hành án trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được hoặc được thông báo về quyết định thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án, Chấp hành viên có quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án và các biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật.