NGƯỜI NỔI TIẾNG QUẢNG CÁO SAI SỰ THẬT XỬ L‎Ý NHƯ THẾ NÀO?

NGƯỜI NỔI TIẾNG QUẢNG CÁO SAI SỰ THẬT XỬ L‎Ý NHƯ THẾ NÀO?

 

      Trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, sức ảnh hưởng của người nổi tiếng ngày càng lan rộng và có tác động lớn đến hành vi tiêu dùng của công chúng. Chính vì vậy, nhiều thương hiệu đã tận dụng hình ảnh của họ để quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, không ít trường hợp người nổi tiếng tham gia quảng cáo những sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng hoặc đưa thông tin sai lệch, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Vấn đề đặt ra là khi xảy ra sai phạm, việc xử lý những người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật cần được thực hiện như thế nào để đảm bảo công bằng, răn đe và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

1. Hành vi quảng cáo sai sự thật vi phạm điều cấm

      Quảng cáo sai sự thật có thể hiểu là hành vi truyền đạt thông tin không đúng, không đầy đủ, gây nhầm lẫn hoặc đánh lừa người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ nhằm mục đích thu hút sự chú ý và thúc đẩy hành vi mua sắm. Nội dung quảng cáo có thể bị coi là sai sự thật khi:

  • Thông tin không đúng với bản chất của sản phẩm, dịch vụ (về công dụng, thành phần, xuất xứ, công nghệ…);
  • Phóng đại quá mức công dụng, hiệu quả mà thực tế sản phẩm không mang lại;
  • Giả mạo giấy chứng nhận, giải thưởng, hoặc sử dụng hình ảnh chuyên gia, bác sĩ không có thật;
  • Tiềm ẩn thông tin rủi ro, tác dụng phụ hoặc điều kiện đi kèm mà người tiêu dùng cần biết.

      Theo khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định một số hành vi bị cấm trong quảng cáo trong đó có hành vi sau “ Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

      Do đó, quảng cáo sai sự thật là một trong những hành vi bị cấm theo quy định pháp luật.

2. Người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật có bị xử phạt hành chính?

      Người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo đó, tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo như sau: “Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”

      Ngoài ra, tại khoản 7, 8 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được bổ sung bởi điểm a khoản 4 Điều 2 Nghị định 128/2022/NĐ-CP ngoài phạt tiền, người nổi tiếng còn có thể bị xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả, cụ thể:

“7. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 05 đến 07 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 tháng đến 24 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 2, điểm b khoản 4, khoản 5 Điều này trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này;

b) Buộc xin lỗi tổ chức, cá nhân bằng văn bản đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 3, điểm a khoản 4 Điều này;

c) Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này.”

      Từ quy định trên có thể thấy, người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt theo quy định với mức phạt từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000. Ngoài hình thức phạt tiền người nổi tiếng còn có thể bị xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy xác nhận nội dung quảng cáo lên đến 24 tháng nếu tái phạm trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Đồng thời, còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc tháo gỡ quảng cáo sai phạm, cải chính thông tin và thậm chí phải xin lỗi công khai bằng văn bản.

3. Người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

      Theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định hành vi quảng cáo gian dối có thể bị xử lý hình sự trong một số trường hợp nhất định. Cụ thể, nếu người nổi tiếng đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quảng cáo gian dối hoặc từng bị kết án vì tội này nhưng chưa được xóa án tích, mà vẫn tiếp tục tái phạm, thì có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Không chỉ dừng lại ở đó, người vi phạm còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung như:

  • Phạt tiền bổ sung từ 5 triệu đến 50 triệu đồng,
  • Cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

      Trong trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự, bị cấm hành nghề, thậm chí có thể chịu hình phạt cải tạo không giam giữ nếu gây hậu quả nghiêm trọng và tái phạm theo quy định pháp luật.

      Như vậy, người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo sai sự thật phải chịu trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc. Tùy theo mức độ vi phạm, hậu quả gây ra và tính chất tái phạm, họ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, họ còn bị tổn hại đến uy tín danh dự cá nhân, người nổi tiếng còn đối mặt với tổn thất lớn về hình ảnh, uy tín cá nhân, thậm chí bị các nhãn hàng chấm dứt hợp đồng tài trợ, quảng bá. Trong một số trường hợp, họ còn có thể bị yêu cầu đền bù hợp đồng nếu hành vi sai phạm của họ gây ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu hoặc vi phạm các điều khoản cam kết trong hợp đồng hợp tác.

      Việc xử lý nghiêm minh hành vi quảng cáo sai sự thật không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn góp phần nâng cao trách nhiệm đạo đức và tính minh bạch trong hoạt động quảng cáo, đặc biệt là đối với những người có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội.

 


Mọi thông tin yêu cầu tư vấn vui lòng liên hệ:

⚖️ VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ROYAL – Royal law firm

📩Email: vplsroyal@gmail.com

🌏 Website: https://royallaw.vn/

☎️ Hotline: 0989 337 688

Văn phòng Hà Nội:

☎️Điện thoại: (84-24) 3512 2931

🏢Địa chỉ: Tầng 8, P.802 tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 phố Tố Hữu, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Văn phòng thành phố Hồ Chí Minh:

☎️ Điện thoại: (84-28) 2213 5775

🏢Địa chỉ: Lầu 4, tòa nhà Halo Building, số 10 Phan Đình Giót, phường 2, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

Khách hàng tiêu biểu