TRƯỜNG HỢP NÀO NỘP TIỀN KHẮC PHỤC HẬU QUẢ SẼ ĐƯỢC XEM XÉT GIẢM ÁN, GIẢM NHẸ HÌNH PHẠT
TRƯỜNG HỢP NÀO NỘP TIỀN KHẮC PHỤC HẬU QUẢ SẼ ĐƯỢC XEM XÉT GIẢM ÁN, GIẢM NHẸ HÌNH PHẠT
Giảm án, giảm nhẹ hình phạt là một trong những chính sách thể hiện sự khoan hồng của pháp luật, của Nhà nước đối với người phạm tội. Đây là biện pháp nhằm tạo sự cân nhắc giữa trách nhiệm và hậu quả của người phạm tội với khả năng tái hòa nhập và cơ hội sửa chữa hành vi sai trái. Như vậy, nộp tiền khắc phục hậu quả có được xem xét giảm án, giảm nhẹ hình phạt hay không? Mời quý bạn đọc cùng Royal Law tìm hiểu qua bài viết sau đây:
Nộp tiền khắc phục hậu quả có phải tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?
“Khắc phục hậu quả” là khắc phục những thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp do hành vi phạm tội của mình gây nên mà những thiệt này không thể bồi thường hay sửa chữa được.
Tại điểm b Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định như sau:
“Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
Do đó, việc người phạm tội tự nguyện khắc phục hậu quả là một trong các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, việc khắc phục hậu quả ở đây phải do người phạm tội tự nguyện thực hiện mà không phải chịu bất kì sự ép buộc, cưỡng chế từ người khác.
Ví dụ: Đối với trường hợp giết người, cố ý gây thương tích, người phạm tội tự nguyện đưa cho bị hại hoặc đại diện của họ một khoản tiền mai táng, tiền chữa bệnh, tiền trợ cấp khó khăn về vật chất hoặc tinh thần… thì đó được xem là tự nguyện khắc phục hậu quả. Không phải khắc phục hết mọi hậu quả thì mới được coi là tình tiết giảm nhẹ mà có thể người phạm tội chỉ khắc phục được một hoặc một số hậu quả cũng có thể coi là tình tiết giảm nhẹ, khắc phục càng nhiều thì được xem xét giảm nhẹ càng nhiều.
Căn cứ quy định tại điểm e Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP, một trong các tiêu chí chấp hành hình phạt tù được xếp loại tốt là: “Tích cực khắc phục xong hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Phạm nhân bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền (nếu có), nộp án phí, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác thì phải đã thực hiện xong các nghĩa vụ đó”. Như vậy, việc thực hiện nghĩa vụ nộp tiền khắc phục hậu quả là một trong những tiêu chí cần thiết để xếp loại chấp hành án phạt tù, từ đó, có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC.
Trường hợp nào nộp tiền khắc phục hậu quả sẽ được xem xét giảm án, giảm nhẹ hình phạt?
Theo Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP (đã hết hiệu lực nhưng chưa có văn bản thay thế) và Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định các trường hợp nộp tiền khắc phục hậu quả được xem xét giảm án như sau:
– Người phạm tội phải tự nguyện khắc phục hậu quả mới được coi là tình tiết giảm nhẹ. Nếu do tác động của người khác hoặc của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội buộc phải khắc phục hậu quả, người phạm tội mới thực hiện theo thì không được xem là tình tiết giảm nhẹ để áp dụng.
– Về thời điểm khắc phục hậu quả: Việc tự nguyện khắc phục hậu quả phải xảy ra trước khi tuyên án và thuộc ở cấp nào thì cấp đó coi là tình tiết giảm nhẹ.
– Về mức độ khắc phục hậu quả: Hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể về mức khắc phục hậu quả để được giảm án, tuy nhiên thực tế cho thấy mức khắc phục hậu quả thường phải tương xứng với thiệt hại mà hành vi phạm tội gây ra.
Trường hợp vụ án có đồng phạm sẽ được phân hóa trách nhiệm hình sự, do đó mức khắc phục hậu quả cũng sẽ tương xứng với vai trò của bị cáo trong vụ án.
Đối với trường hợp bị kết án tử hình về Tội tham ô tài sản (Điều 353) và Tội nhận hối lộ (Điều 354) tại điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 nêu rõ điều kiện để giảm án, không bị thi hành hình phạt tử hình nếu người bị kết án chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Như vậy, để được xem xét giảm án, giảm thời gian chấp hành án phạt tù với người tự nguyện khắc phục hậu quả thì người chấp hành hình phạt phải thuộc các trường hợp quy định trên.
Nhân vật từng gây chú ý trong việc bồi thường khắc phục hậu quả là cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Bộ Công an) Nguyễn Duy Linh, bị đưa ra xét xử về tội “Nhận hối lộ”.
Theo đó, ông Nguyễn Duy Linh bị cơ quan điều tra cáo buộc nhận tiền tỷ từ Phan Văn Anh Vũ, bị đề nghị truy tố ở khung hình phạt cao nhất về tội “Nhận hối lộ” với mức 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình theo Khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Tại phiên tòa ngày 6/11/2021, bị cáo Linh xin cùng gia đình nộp lại số tiền 5 tỷ đồng đã nhận hối lộ. Trên cơ sở đó, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) ghi nhận sự thành khẩn, tự giác nộp lại khoản tiền bất hợp pháp và cho bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật, nhận mức án ở dưới khung hình phạt.
Cuối phiên xét xử, TAND TP. Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Duy Linh 14 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.
Tóm lại, việc người phạm tội nộp tiền khắc phục hậu quả không chỉ mang lại lợi ích ngay lập tức mà còn góp phần vào quá trình ngăn ngừa và chấm dứt hành vi tham nhũng. Đây là một phần quan trọng trong chiến lược chung để xây dựng một xã hội công bằng và trung thực.