“PHÔNG BẠT” TIỀN TỪ THIỆN CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT KHÔNG
“PHÔNG BẠT” TIỀN TỪ THIỆN CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT KHÔNG
Những ngày vừa qua, bão Yagi (cơn bão số 3) đã gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt trên diện rộng tại các tỉnh miền Bắc. Với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, người có của góp của, người có công góp công, có ít góp ít, có nhiều góp nhiều để ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, một số lại “làm màu”, thậm chí tạo sao kê giả, không đúng với số tiền chuyển khoản để khoe lên trang cá nhân, Fanpage, TikTok nhằm mục đích tạo dựng hình ảnh, câu like, tạo sự nổi tiếng. Như vậy “phông bạt” tiền từ thiện có vi phạm pháp luật không? Mời Quý bạn đọc cùng Royal Law tìm hiểu qua bài viết sau đây:
“Phông bạt” là gì?
Xét theo nghĩa bóng, “phông bạt” là thuật ngữ dùng để chỉ những hành động tạo dựng hình ảnh giả tạo, không đúng với thực tế trên mạng xã hội. Cách nói này ám chỉ một lối sống lộng lẫy bề ngoài nhưng thiếu chân thật bên trong. Thuật ngữ này dùng để chỉ những người thích thể hiện, khoe mẽ, tạo ra ấn tượng về mình bằng cách phóng đại khả năng, tài sản hoặc thành công mà che giấu đi bản chất thật.
Ví dụ điển hình là một cá nhân đã chuyển khoản món tiền kèm nội dung ủng hộ khắc phục hậu quả bão số 3 Yagi. Người này sau đó chụp màn hình giao dịch chuyển tiền, dùng các ký tự che đi các con số cụ thể, chỉ để lộ ra một phần rất nhỏ trên đỉnh đầu. Những người theo dõi tài khoản Facebook của cô đếm có tới 8 vị trí bị che, tương ứng với 8 con số (do mỗi biểu tượng đều để lộ một phần chi tiết thể hiện có ký tự số tại vị trí bị che), đồng nghĩa số tiền đã chuyển “được hiểu là hàng chục triệu đồng”.
Sau khi có sao kê từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cộng đồng nhanh chóng kiểm tra giao dịch với thông tin trùng khớp, tuy nhiên số tiền thực tế là 500.000 đồng. Từ việc trên khiến không ít cộng đồng mạng bức xúc, tố người này “làm màu, phông bạt” và lợi dụng việc ủng hộ đồng bào đang gặp thiên tai để “đánh bóng tên tuổi”.
“Phông bạt” tiền từ thiện đăng lên mạng xã hội có vi phạm pháp luật không?
Đây được xem là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thống kê, phân bổ hoặc có thể gây ra những nghi ngờ lẫn nhau giữa những người đóng góp và đơn vị tiếp nhận quản lý tiền hỗ trợ, gây ra dư luận xấu nên hành vi này rất đáng trách, rất đáng lên án. Tùy thuộc vào mức độ, hậu quả của hành vi mà những người “phông bạt” bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi “phông bạt” tiền từ thiện trên mạng xã hội có thể gây ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị tiếp nhận tiền hỗ trợ, được xem là hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trên còn buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.
Ngoài ra, hành vi “phông bạt” tiền từ thiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.
Trong trường hợp cá nhân B đưa cho cá nhân A 10 triệu đồng để góp cùng người A chuyển tiền từ thiện, nhưng người A chỉ chuyển vài trăm ngàn đồng, trong khi vẫn nhận 10 triệu đồng của người B thì người A đó bị xếp vào hành vi là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi này có thể bị khung hình phạt cải tạo không giam giữ là 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng tới 3 năm theo khoản 1 Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.
Hay trường hợp người nào đó thực hiện yêu cầu của người khác chuyển tiền để thực hiện cứu trợ mà giả mạo hóa đơn, ví dụ chuyển khoản 50.000.000 đồng, thực tế chỉ chuyển có 50.000 đồng để trục lợi tiền của người khác, thì đó là hành vi tham ô, sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 353 của Bộ Luật hình sự. Theo đó mức án tù có thể từ 2-7 năm khi chiếm đoạt từ 2 triệu đến 100 triệu theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn vui lòng liên hệ:
⚖️ VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ROYAL – Royal law firm
📩Email: vplsroyal@gmail.com
🌏 Website: https://royallaw.vn/
☎️ Hotline: 0989 337 688
Văn phòng Hà Nội:
☎️Điện thoại: (84-24) 3512 2931
🏢Địa chỉ: Tầng 8, P.802 tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 phố Tố Hữu, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Văn phòng thành phố Hồ Chí Minh:
☎️ Điện thoại: (84-28) 2213 5775
🏢Địa chỉ: Lầu 4, tòa nhà Halo Building, số 10 Phan Đình Giót, phường 2, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh