XỬ LÝ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT KHI HỢP TÁC XÃ GIẢI THỂ

Xử lý quyền sử dụng đất khi Hợp tác xã giải thể

      Luật Hợp tác xã năm 2023 được thông qua ngày 20/6/2023 vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, thay thế Luật Hợp tác năm 2012. Luật Hợp tác xã năm 2023 đã tiếp tục hoàn thiện các quy định về tổ chức, hoạt động của Hợp tác xã, đáp ứng yêu cầu phát triển của khu vực Hợp tác xã trong giai đoạn mới. Trong đó các quy định về xử lý tài sản của Hợp tác xã nói chung và quyền sử dụng đất nói riêng khi Hợp tác xã giải thể đóng vai trò quan trọng trong bộ khung pháp luật về Hợp tác xã. Để hiểu rõ các quy định của pháp luật về xử lý tài sản là quyền sử dụng đất khi Hợp tác xã giải thể, cùng đọc bài viết dưới đây.

1. Tài sản của Hợp tác xã
      Theo Điều 88 Luật Hợp tác xã năm 2023 quy định về tài sản của Hợp tác xã bao gồm:
  • Phần vốn góp của thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn, phí thành viên;
  • Vốn huy động của thành viên và vốn huy động khác;
  • Vốn, tài sản được hình thành trong quá trình hoạt động;
  • Khoản hỗ trợ của Nhà nước và khoản tặng cho, tài trợ Hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác.

2. Tài sản chung không chia của Hợp tác xã

      Tại khoản 2 Điều 88 Luật Hợp tác xã năm 2023 quy định tài sản chung không chia của Hợp tác xã bao gồm:
  • Quyền sử dụng đất do Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất; được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, do mua tài sản gắn liền với đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất Hợp pháp từ người khác mà tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền mua tài sản gắn liền với đất, tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Nhà nước hỗ trợ;
  • Tài sản hình thành từ quỹ chung không chia;
  • Tài sản do Nhà nước hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ được quy định là tài sản chung không chia;
  • Tài sản do cá nhân, tổ chức tặng cho, tài trợ Hợp pháp theo thỏa thuận là tài sản chung không chia;
  • Tài sản là công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng do Nhà nước đầu tư, xây dựng, chuyển giao cho Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã quản lý, sử dụng;
  • Tài sản khác được Điều lệ quy định là tài sản chung không chia.
      Theo đó, đối với quyền sử dụng đất được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, hoặc được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước sẽ thuộc tài sản chung không chia và được xử lý theo quy định của pháp luật về đất đai.
3. Xử lý quyền sử dụng đất khi Hợp tác xã giải thể
3.1. Quyền sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê có nguồn gốc từ sách Nhà nước
      Khi một Hợp tác xã bị giải thể, quyền sử dụng đất sẽ được xử lý theo quy định của Luật đất đai năm 2013 như sau:
  • Theo điều điểm a khoản 1 Điều 65 của Luật đất đai năm 2013, đối với Hợp tác xã được Nhà nước giao đất mà không phải trả tiền sử dụng đất, hoặc được giao đất có tiền sử dụng đất do nguồn gốc từ ngân sách nhà nước bị giải thể thì Nhà nước sẽ thu hồi lại đất.
  • Đối với Hợp tác xã sử dụng đất thuê từ Nhà nước, nếu thuê đất hàng năm và bị giải thể Hợp tác xã đó cũng phải trả lại đất cho Nhà nước.

      Nhà nước thực hiện thu hồi đất sẽ căn cứ vào nguồn gốc quyền sử dụng để xử lý, cụ thể:

  • Nếu Hợp tác xã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất; được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, do mua tài sản gắn liền với đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất Hợp pháp từ người khác mà tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền mua tài sản gắn liền với đất, tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và hiện nay giải thể thì Nhà nước thu hồi đất đó mà không cần bồi thường hoặc hỗ trợ đất.
  • Nếu Hợp tác xã được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền này không xuất phát từ ngân sách Nhà nước, hoặc tiền sử dụng đất là vốn tự có của Hợp tác xã hoặc được đóng góp bởi các thành viên trong Hợp tác xã, và hiện nay giải thể, thì Nhà nước sẽ thu hồi hoặc cấp lại đất, tiền sử dụng đất sẽ được bồi thường theo quy định của pháp luật hiện hành.

3.2. Quyền sử dụng đất được góp vốn bởi các thành viên trong Hợp tác xã

      Theo khoản 1 Điều 73 Luật Hợp tác xã năm 2023 cho phép các thành viên Hợp tác xã được góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Sau khi góp vốn, thành viên phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho Hợp tác xã theo quy định của pháp luật.
      Khi Hợp tác xã giải thể theo Điều 101 Luật Hợp tác xã năm 2023 Hợp tác xã phải xử lý tài sản của Hợp tác xã bao gồm quyền sử dụng đất để thực hiện các nghĩa vụ liên quan để thủ tục giải thể.
Tại điểm b khoản 2 Điều 177 Luật đất đai 2013 quy định đối với đất được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, do mua tài sản gắn liền với đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất Hợp pháp từ người khác mà tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền mua tài sản gắn liền với đất, tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; đất do thành viên góp quyền sử dụng vào Hợp tác xã thì Nhà nước không thu hồi đất, quyền sử dụng đất đó là của Hợp tác xã và được xử lý theo điều lệ của Hợp tác xã, nghị quyết của đại hội thành viên.
      Theo đó, đối với quyền sử dụng đất có nguồn gốc từ việc góp vốn của các thành viên Hợp tác xã sẽ được xử lý tùy theo điều lệ của Hợp tác xã và nghị quyết của đại hội thành viên của Hợp tác xã đó.

Mọi thông tin yêu cầu tư vấn vui lòng liên hệ:

⚖️ VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ROYAL – Royal law firm

📩Email: vplsroyal@gmail.com

🌏 Website: https://royallaw.vn/  

☎️ Hotline: 0989 337 688

Văn phòng Hà Nội:

☎️Điện thoại: (84-24) 3512 2931

🏢Địa chỉ: Tầng 8, P.802 tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 phố Tố Hữu, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Văn phòng thành phố Hồ Chí Minh:

☎️ Điện thoại: (84-28) 2213 5775

🏢Địa chỉ: Lầu 4, tòa nhà Halo Building, số 10 Phan Đình Giót, phường 2, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh

Khách hàng tiêu biểu