NGHĨA VỤ ĐỐI VỚI NHÀ NƯỚC CỦA ĐƠN VỊ KINH DOANH ONLINE
Với sự bùng nổ của thời đại internet, hoạt động kinh doanh trực tuyến (hay còn gọi là kinh doanh online) đang dần trở thành xu thế toàn cầu. Đây là hình thức bán hàng qua mạng bằng các kênh truyền thông đa phương tiện như: Website, sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada,…), mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok,…). Thông qua hình thức kinh doanh này, các nhà kinh doanh có thể tiết kiệm được phần lớn thời gian, chi phí mà không cần thuê nhân viên hay mặt bằng kinh doanh. Vậy, kinh doanh online có cần phải đăng ký kinh doanh hay không? Có phải nộp thuế hay không? Đó là những loại thuế nào? Mức đóng thuế là bao nhiêu? Để giải đáp thắc mắc này, mời quý bạn đọc cùng theo dõi bài viết sau đây.
1. Hoạt động kinh doanh online có cần phải đăng ký kinh doanh hay không?
Những hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Việt nam phải tiến hành đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các quy định này chỉ áp dụng cho hình thức kinh doanh truyền thống (kinh doanh offline) và một số website thương mại điện tử (ví dụ như: Shopee, Lazada, Tiki,…). Riêng đơn vị kinh doanh trực tuyến (kinh doanh online) thì chưa cần thực hiện thủ tục này.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 2 Nghị định 39/2007/NĐ-CP thì cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP quy định cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh như: buôn bán rong, buôn bán vặt, bán quà vặt, buôn chuyến,…
Hình thức kinh doanh online trên các nền tảng mạng xã hội của cá nhân có thể xem là hình thức cá nhân hoạt động thương mại. Chẳng hạn như kinh doanh online bằng cách livestream trên Facebook để bán dầu gội, đồ ăn vặt,… chính là hoạt động buôn bán vặt hoặc bán quà vặt.
Như vậy, đơn vị kinh doanh online không cần phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, kinh doanh online rất đa dạng với quy mô kinh doanh khác nhau, chỉ nói kinh doanh online thôi thì chưa đủ để xác định chính xác có cần phải thực hiện đăng ký kinh doanh hay không. Nếu thuộc những trường hợp trên thì không phải đăng ký kinh doanh.
2. Những loại thuế mà đơn vị kinh doanh online phải nộp?
Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC có quy định về nguyên tắc tính thuế thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thuộc trường hợp không phải đóng thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải có nghĩa vụ đóng thuế GTGT và thuế TNCN phát sinh cho hoạt động kinh doanh của mình.
Vì vậy, đơn vị kinh doanh online có trách nhiệm kê khai đầy đủ và đóng thuế theo quy định của pháp luật, đây là quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh.Căn cứ vào khoản 2 Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC thì chỉ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm trong năm dương lịch mới thuộc trường hợp
phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, đơn vị kinh doanh online có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm trong năm dương lịch còn phải nộp lệ phí môn bài theo quy định tại Thông tư 302/2016/TT-BTC.
3. Mức đóng thuế là bao nhiêu?
(1) Thuế GTGT và thuế TNCN
Đơn vị kinh doanh online (thuộc trường hợp chịu thuế) phải nộp thuế GTGT là 1% và thuế TNCN là 0,5% căn cứ theo quy định tại Phụ lục I Danh mục ngành nghề tính thuế GTGT, thuế TNCN theo tỷ lệ % trên doanh thu.
Số thuế phải nộp của đơn vị kinh doanh online được xác định dựa trên công thức sau:
- Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
- Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
(2) Lệ phí môn bài
Khoản 3 Điều 1 Thông tư 65/2020/TT-BTC quy định về mức lệ phí môn bài đối với cá nhân hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
- a) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm;
- b) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 (năm trăm nghìn) đồng/năm;
- c) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 (ba trăm nghìn) đồng/năm.
Đối với đơn vị kinh doanh online thì doanh thu để làm căn cứ xác định mức lệ phí môn bài là tổng doanh thu tính thuế TNCN năm trước liền kề của hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn vui lòng liên hệ:
⚖️ VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ROYAL – Royal law firm
📩Email: vplsroyal@gmail.com
🌏 Website: https://royallaw.vn/
☎️ Hotline: 0989 337 688
Văn phòng Hà Nội:
☎️Điện thoại: (84-24) 3512 2931
🏢Địa chỉ: Tầng 8, P.802 tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 phố Tố Hữu, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Văn phòng thành phố Hồ Chí Minh:
☎️ Điện thoại: (84-28) 2213 5775
🏢Địa chỉ: Lầu 4, tòa nhà Halo Building, số 10 Phan Đình Giót, phường 2, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh