Các yêu cầu đối với việc soạn thảo hợp đồng
Theo Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Hợp đồng là một dạng thể hiện sự thoả thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt, huỷ bỏ quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia”. Việc giao kết hợp đồng giữa các bên có nhiều ý nghĩa quan trọng như: Tạo hành lang pháp lý an toàn cho các chủ thể tham gia hợp đồng, là cơ sở để giải quyết các tranh chấp xảy ra và đảm bảo cho việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Khi soạn thảo hợp đồng người thực hiện phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
Thứ nhất, hiểu và cụ thể được yêu cầu của khách hàng vào hợp đồng. Yêu cầu của khách hàng đối với việc soạn thảo hợp đồng là cơ sở để người soạn thảo hợp đồng xác định kế hoạch soạn thảo và nội dung soạn thảo. Cùng là một đề nghị về soạn thảo hợp đồng mua bán, soạn thảo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần/vốn góp hay soạn thảo hợp đồng về chuyển nhượng thương mại nhưng mỗi khách hàng đến gặp luật sư hoặc chuyên viên với yêu cầu soạn thảo và bối cảnh soạn thảo các loại hợp đồng khác nhau. Không có hợp đồng nào giống hợp đồng nào, kể cả khi hợp đồng đều thuộc một lĩnh vực pháp lý hoặc thuộc một giao dịch dân sự tương tự.
Thứ hai, nắm rõ về bối cảnh của hợp đồng: Mỗi giao dịch đều có bối cảnh riêng đặc thù, đó là điều mà người soạn thảo hợp đồng cần lưu ý để đưa ra phương án soạn thảo đảm bảo rằng hợp đồng được soạn thảo vừa ghi nhận được bối cảnh cụ thể, cấu trúc đặc thù của giao dịch, vừa đáp ứng vừa bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng. Ngoài ra, vị thế của khách hàng trong giao dịch cũng là một khía cạnh đáng để lưu ý khi soạn thảo hợp đồng.
Ví dụ: Trong trường hợp khách hàng đề nghị Luật sư hoặc chuyên viên soạn thảo hợp đồng vay, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, hợp đồng bá tài sản, tuy nhiên khách hàng đang ở vị thế “yếu”, vị thế của bên cần có nguồn tài chính để giải quyết một số khó khăn tài chính hiện thời. Trong trường hợp như vậy, luật sư dự thảo hợp đồng với các điều khoản bất lợi cho bên cho vay, bên nhận chuyển nhượng hay bên mua tài sản thì hợp đồng đó sẽ gây khó khăn cho chính khách hàng của mình.

Thứ ba, khi soạn thảo hợp đồng, bên cạnh việc giúp khách hàng văn bản hóa kết quả đàm phán, luật sư còn làm nhiệm vụ đảm bảo sự phù hợp của hợp đồng được soạn thảo với các văn bản pháp luật, án lệ điều chỉnh hợp đồng.
Thứ tư, ngôn ngữ phải rõ ràng, súc tích và chính xác. Sự rõ ràng trong ngôn ngữ của hợp đồng đã được chuẩn hóa trên thế giới. Luật sư hoặc chuyên viên tư vấn phải có sự lựa chọn từ ngữ chính xác, truyền đạt được đầy đủ, trực tiếp, đúng nội dung mong muốn truyền đạt. Hạn chế việc sử dụng những từ đa nghĩa, những thuật ngữ chuyên môn, những thuật ngữ cổ hoặc “Latinh”.
Khi đưa ra các thông tin, dữ liệu, số liệu vào hợp đồng, người soạn thảo hợp đồng cần lưu ý đến sự chính xác của các thông tin, dữ liệu và số liệu đó. Việc kiểm tra nhiều lần, kiểm tra chéo sẽ giúp hạn chế được các sai sót, bất cập trong việc dẫn chiếu và sự chính xác của số liệu.
Soạn thảo hợp đồng là công việc có nhiều thách thức và khá phức tạp với luật sư cũng như chuyên viên soạn thảo. Bởi lẽ, khách hàng có thể chỉ cung cấp cho luật sư một hoặc một phần những dữ liệu và yêu cầu nhất định, để một hợp đồng hoàn chỉnh, đảm bảo đúng quy định pháp luật thì luật sư cần phân tích bổi cảnh tư vấn, tài liệu, mong muốn của khách hàng và nhiều yếu tố khác.
Mọi thông tin yêu cầu tư vấn vui lòng liên hệ:
⚖️ VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ROYAL – Royal law firm
?Email: vplsroyal@gmail.com
? Website: https://royallaw.vn/
☎️ Hotline: 0989 337 688
Văn phòng Hà Nội:
☎️Điện thoại: (84-24) 3512 2931
?Địa chỉ: Tầng 8, P.802 tòa nhà HH2 Bắc Hà, số 15 phố Tố Hữu, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Văn phòng thành phố Hồ Chí Minh:
☎️ Điện thoại: (84-28) 2213 5775
?Địa chỉ: Lầu 4, tòa nhà Halo Building, số 10 Phan Đình Giót, phường 2, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh