Trung gian hòa giải tranh chấp
Trung gian hòa giải là một hình thức giải quyết tranh chấp, bất đồng giữa hai hay nhiều bên bằng việc bên trung gian cùng các bên tranh chấp ngồi lại với nhau để thảo luận về vấn đề của các bên tranh chấp trong một cuộc họp riêng tư, không nghi thức, và cố gắng đạt tới một thỏa thuận.
Các tranh chấp được giải quyết thông qua Hòa giải:
- Tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh từ các quan hệ về tài sản, quan hệ hợp đồng dân sự, nghĩa vụ dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất.
- Tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh từ quan hệ hôn nhân gia đình như: thực hiện quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng; quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con; nhận nuôi con nuôi; ly hôn; yêu cầu cấp dưỡng.
- Tranh chấp phát sinh từ hoạt động kinh doanh, thương mại, đầu tư, liên doanh, liên kết.
Những gì xảy ra trong lúc hòa giải ?
Trong lúc hòa giải, với vai trò trung gian của chuyên gia hòa giải, một bên sẽ:
- Cho bên kia biết về vấn đề của mình.
- Mỗi bên đưa chứng cứ cho bên kia thấy.
- Gắng thông hiểu và tôn trọng quan điểm khác biệt của nhau.
- Thương lượng về các khác biệt của nhau, thảo luận về các giải pháp khả thi và gắng đạt tới một thỏa thuận.
- Chuyên gia hòa giải diễn giải lại kết quả làm việc.
Nếu các bên đạt đuợc sự thỏa thuận trong lúc hòa giải, các điều khoản của thỏa thuận sẽ được chứng nhận hợp pháp.
Nếu việc hòa giải không thành công, thì sau đó các bên sẽ tiếp tục hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp thông qua tiến trình tại Tòa án.
Lợi ích của việc hòa giải tranh chấp
Hòa giải là cách tốt đẹp để đạt đến thỏa thuận. Hòa giải giúp các bên có được sự chủ động về kết quả của việc tranh chấp và có nhiều cơ may để dẫn tới một thỏa thuận mà các bên chấp nhận được.
Hòa giải tạo ra cơ hội để các bên:
- Kể lại câu chuyện của mình trong một khung cảnh riêng tư.
- Lắng nghe và thông hiểu hơn về những người khác có can dự trong cuộc tranh chấp.
- Giải quyết việc tranh chấp của mình một cách hỗ tương, nhanh chóng và không tốn kém.
- Tìm ra giải pháp cho chính mình mà không cần đến hội đồng xét xử của tòa án áp đặt quyết định đối với mình.