Thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu lao động
Hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (XKLĐ) là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì vậy trước khi hoạt động, doanh nghiệp cần phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Theo quy định của pháp luật hiện hành, hồ sơ bao gồm các điều kiện, thủ tục sau:
I. Điều kiện cấp giấy phép
1) Doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
2) Có vốn pháp định là 5 tỷ đồng ;
3) Có đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
4) Có bộ máy nhân sự, cơ sở vật chất để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trược khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trường hợp doanh nghiệp lần đầu tham gia hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì phải có phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
5) Người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có trình độ từ đại học trở lên, có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế;
6) Có tiền ký quỹ 1 tỷ đồng tại ngân hàng.
II. Hồ sơ xin cấp giấy phép
1) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép của doanh nghiệp;
2) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (có ngành nghề: cung ứng và quản lý nguồn lao động; có vốn pháp định tối thiểu 5 tỷ đồng);
3) Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện về vốn pháp định 5 tỷ đồng theo quy định (xác nhận số dư của tổ chức tín dụng hoặc chứng thư thẩm định giá của tổ chức thẩm định giá về tài sản của doanh nghiệp hoặc báo cáo tài chính 2 năm gần nhất của doanh nghiệp – có xác nhận của tổ chức kiểm toán);
4) Giấy xác nhận ký quỹ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp ký quỹ 1 tỷ đồng;
5) Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: Đề án hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải thể hiện năng lực tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ có đủ trình độ và kinh nghiệm đáp ứng được yêu cầu của hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đề án bao gồm những nội dung cơ bản sau đây:
- Tên giao dịch, địa chỉ giao dịch, loại hình doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, vốn và cơ cấu vốn, chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc người đại diện doanh nghiệp theo ủy quyền, vốn, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (nếu là doanh nghiệp đang hoạt động).
- Phương án tổ chức bộ máy hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
- Dự kiến thị trường đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, ngành nghề đưa lao động đi, địa bàn tuyển chọn lao động.
- Phương án tuyển chọn người lao động, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động, quản lý người lao động làm việc ở nước ngoài.
- Phương án tài chính để thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
6) Sơ yếu lý lịch của người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
7) Phương án tổ chức (đối với doanh nghiệp lần đầu tham gia hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài) hoặc báo cáo về tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và bộ máy bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài được tổ chức thành trường hoặc trung tâm đào tạo, phải có ít nhất những bộ phận sau đây:
- Bộ phận đào tạo;
- Bộ phận quản lý học viên.
Bộ máy chuyên trách bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động để thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
- Trực tiếp tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho ngời lao động;
- Quản lý chương trình đào tạo, thời gian lên lớp của giáo viên, học viên;
- Thực hiện các hợp đồng liên kết về bồi dưỡng kiến thức cần thiết;
- Biên soạn tài liệu;
- Quản lý học viên;
- Tổ chức kiểm tra và cấp chứng chỉ sau mỗi khóa học.
8) Danh sách tóm lược của các cán bộ chuyên trách trong bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gồm các nội dung: họ tên, ngày tháng năm sinh, chức vụ, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, nhiệm vụ được giao. Cán bộ chuyên trách từng loại hình nghiệp vụ phải có các điều kiện cụ thể sau đây:
Về án bộ chuyên trách về thị trường:
- Có chuyên môn, nghiệp vụ thuộc các chuyên ngành kinh tế, luật;
- Có trình độ ngoại ngữ phù hợp với từng thị trường mà doanh nghiệp dự kiến đưa người lao động đến làm việc;
- Có hiểu biết những quy định của pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Về cán bộ chuyên trách về quản lý lao động:
- Có chuyên môn, nghiệp vụ thuộc chuyên ngành luật, quản trị nhân lực;
- Có trình độ ngoại ngữ phù hợp với từng thị trường mà doanh nghiệp dự kiến đưa người lao động đến làm việc;
- Am hiểu những quy định của pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Về cán bộ chuyên trách bồi dưỡng kiến thức cần thiết:
- Có kinh nghiệm và hiểu biết về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
- Có hiểu biết những quy định của pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Về cán bộ nghiệp vụ tài chính:
- Có chuyên môn, nghiệp vụ thuộc chuyên ngành tài chính, kế toán;
- Am hiểu các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Về cán bộ giữ vị trí lãnh đạo điều hành bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp: ngoài điều kiện quy định chung nêu trên, phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Có trình độ từ đại học trở lên; Có lý lịch rõ ràng;
- Có ít nhất ba (03) năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế;
- Không phải là người đang bị xử lý hình thức kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên trong lĩnh vực hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hoặc là người đã giữ vị trí lãnh đạo điều hành bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại những doanh nghiệp dịch vụ bị thu hồi giấy phép do vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
9) Các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật (trong một số trường hợp đặc thù).
III. Cơ quan có thẩm quyền thụ lý và giải quyết
Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ lao động - Thương binh và Xã hội).
IV. Thời gian thực hiện
Từ 90 đến 120 ngày làm việc, kể từ ngày doanh nghiệp cung cấp đầy đủ giấy tờ, tài liệu hợp lệ.
V. Công việc Luật sư dự kiến thực hiện
- Tư vấn thủ tục thành lập doanh nghiệp (mới) hoặc thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh;
- Tư vấn hoặc nhận dịch vụ từ doanh nghiệp để hoàn tất thủ tục về vốn pháp định, tiền ký quỹ và các giấy tờ có điều kiện khác liên quan đến thủ tục cấp giấy phép cho doanh nghiệp;
- Kết hợp cùng doanh nghiệp hoặc độc lập xây dựng Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
- Kết hợp cùng doanh nghiệp hoặc độc lập thực hiện các công việc liên quan đến thủ tục cấp giấy phép;
- Các công việc khác theo yêu cầu.
Để được hỗ trợ tư vấn chi tiết hơn xin liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ sau:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ROYAL
Phòng 802 - tòa nhà HH2 - Bắc Hà, phố Tố Hữu, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tel: 04. 3512 2931 – 6294 0932 Fax: 04. 35122930
Email: vplsroyal@gmail.com Website: www.royallaw.vn
Hotline: 0989337688
Đăng bởi Admin.