HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT

HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT

HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT

HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT
  • Ngày đăng: 21-05-2020

Câu 1: Tặng cho quyền sử dụng đất cho cháu.

            Bà Nguyễn Mai Thuyên (Quế Võ, Bắc Ninh) hỏi: Tôi có một mảnh đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Do không có con nên tôi muốn cho cháu là con của em gái tôi mảnh đất này. Xin hỏi hồ sơ để tặng cho đất gồm những giấy tờ gì? Cháu tôi có phải nộp thuế thu nhập cá nhân không?

            Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư số 24/2009/TT-BTNMT (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT) về hồ sơ địa chính thì trong hồ sơ gửi đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất phải bao gồm:

           - Đơn đăng ký biến động theo Mẫu số 09/ĐK;

           - Hợp đồng tặng cho đất có công chứng của bà cho người cháu;

           - Bản gốc Giấy chứng nhận mà bà đã được cấp;

            Tại khoản 4 Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân quy định miễn thuế thu nhập cá nhân với: “Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau”. Theo quy định này, việc bà tặng đất cho cháu (con của em gái) bà không thuộc trường hợp được miễn thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, cháu của bà vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân khi được bà tặng cho đất. Thu nhập tính thuế trong trường hợp này là phần giá trị của mảnh đất vượt trên 10 triệu đồng, phần giá trị đất được xác định căn cứ theo Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm cháu bà nhận quà tặng là mảnh đất của bà.

Câu 2: Thời hiệu khởi kiện tranh chấp về hợp đồng bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

            Ông Nguyễn Hữu Thọ (Ba Đình, Hà Nội) hỏi: Ông A bảo lãnh cho chị X (là cháu của ông A) đi làm việc ở nước ngoài và có ký hợp đồng bảo lãnh với doanh nghiệp tôi. Đến tháng 6 năm 2010 phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh của ông A. Ngày 11/6/2010, doanh nghiệp tôi đã có thông báo cho ông A thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình trong vòng 30 ngày nhưng đến ngày 11/07/2010 mà ông A vẫn không thực hiện nghĩa vụ. Doanh nghiệp tôi muốn khởi kiện thì thời hiệu khởi kiện được xác định thế nào?

            Trả lời: Theo quy định tại điểm b, mục 5 phần II Thông tư số 08/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTP ngày 11 tháng 07 năm 2007 hướng dẫn chi tiết một số vấn đề về nội dung hợp đồng bảo lãnh và việc thanh lý hợp đồng bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định: “b) Trong trường hợp hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh và không đưa tài sản để xử lý theo thỏa thuận thì bên nhận bảo lãnh có quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xử lý tài sản của bên bảo lãnh theo quy định của pháp luật.”

            Căn cứ vào quy định trên, ngày 11/07/2010 được coi là ngày quyền và lợi ích của doanh nghiệp ông bị xâm phạm. Như vậy, thời hiệu để doanh nghiệp ông khởi kiện là 02 năm kể từ ngày 11/07/2010.

Câu 3: Đăng ký khai sinh cho con khi bố là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

            Chị Phùng Thị Yến (Tiên Lãng, Hải Phòng) hỏi: Chồng tôi là người Việt Nam nhưng hiện sống ở Mỹ và đã chuyển sang quốc tịch Mỹ. Tôi vẫn ở Việt Nam. Nay tôi muốn đăng ký khai sinh cho con chúng tôi sinh ra ở Việt Nam thì đăng ký ở cơ quan nào?

            Trả lời: Theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 35 Luật hộ tịch 2014 thì:

Điều 35. Thẩm quyền đăng ký khai sinh

Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em trong các trường hợp sau đây:

1. Trẻ em được sinh ra tại Việt Nam:

a) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;

Như vậy đối với trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài thì việc đăng ký khai sinh cho trẻ em được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

Do đó, nếu chồng chị có Hộ chiếu Việt Nam thì chị sẽ đăng ký khai sinh cho con tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi chị cư trú.

Câu 4: Góp vốn thành lập công ty bằng quyền sử dụng đất có phải nộp lệ phí trước bạ không?

            Ông Đinh Văn Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hỏi: Năm 2007, tôi có mua một căn nhà, đã nộp đủ lệ phí trước bạ khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nay tôi dùng quyền sử dụng đất đó để góp vốn thành lập công ty cổ phần thì có phải nộp lệ phí trước bạ không?

            Trả lời: Việc nộp lệ phí trước bạ hiện nay được thực hiện theo quy định tại Nghị định 140/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 hướng dẫn về lệ phí trước bạ. Điểm a Khoản 17 Điều 9 của Nghị định này quy định: “17. Tài sản của tổ chức, cá nhân đã nộp lệ phí trước bạ (trừ trường hợp được miễn nộp lệ phí trước bạ) chuyển cho tổ chức, cá nhân khác đăng ký quyền sở hữu, sử dụng được miễn nộp lệ phí trước bạ trong những trường hợp sau đây:

a) Tổ chức, cá nhân, xã viên hợp tác xã đem tài sản của mình góp vốn vào doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, hợp tác xã hoặc khi doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, hợp tác xã giải thể hoặc phân chia hoặc rút vốn cho tổ chức, cá nhân thành viên tài sản mà tổ chức, cá nhân thành viên đã góp trước đây.”

           Như vậy, nếu ông đã nộp đủ lệ phí trước bạ khi mua nhà thì khi dùng quyền sử dụng đất để góp vốn thành lập công ty sẽ không phải nộp lệ phí trước bạ nữa.

Câu 5: Cổ đông sáng lập có được quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông khác không?

           Bà Bùi Thị Lan (Lê Chân, Hải Phòng) hỏi: Công ty Cổ phần AMI do tôi, ông Lê Trọng Dũng và bà Phạm Thị Lan góp vốn thành lập vào năm 2019. Đến nay công ty đã hoạt động được 2 năm, nay tôi muốn chuyển nhượng hết số cổ phần của tôi cho bà Lan có được không?

           Trả lời: Theo khoản 3 Điều 119 Luật Doanh Nghiệp năm 2014 qui định: “3. Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.”

           Như vậy, trong thời hạn 3 năm kể từ năm 2012, bà được quyền chuyển nhượng cổ phần phổ thông của bà cho bà Lan cùng là cổ đông sáng lập của công ty.

Câu 6: Tai nạn lao động có được Bảo hiểm y tế thanh toán viện phí không?

          Bà Nguyễn Thái Mai (Hà Đông, Hà Nội) hỏi: Tôi làm việc tại công Nhà nước theo hợp đồng không xác định thời hạn từ năm 2009. Tháng 4/2014, trong lúc bảo dưỡng sửa chữa thiết bị tại công ty, tôi bị mạt sắt bắn vào mắt gây rách giác mạc. Hiện tại tôi vẫn đang nằm để điều trị, chưa có giám định thương tật của bệnh viện và tự thanh toán tất cả các loại phí trong quá trình điều trị. Tôi yêu cầu Bảo hiểm y tế thanh toán nhưng họ giải thích do trường hợp của tôi là tai nạn lao động nên Bảo hiểm y tế không thanh toán mà công ty tôi phải thanh toán viện phí theo qui định của bộ luật lao động. Xin hỏi Bảo hiểm y tế giải thích như vậy có đúng không?

         Trả lời: Theo Điều 43 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

“Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;

c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này.”

Ở đây, chị có đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động nếu chị bị suy giảm khả năng lao động trên 5% vì theo điểm a khoản 1 điều nêu trên thì chị bị tai nạn trong giờ làm việc.

             Theo quy định tại điều 22 của Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của luật bảo hiểm y tế 2008 thì trường hợp của chị là tai nạn lao động nên chị được thanh toán  Bảo hiểm y tế.

Câu 7: Hợp đồng tặng cho đối với người chưa thành niên

            Bà Phạm Minh Thư (Ba Đình, Hà Nội) hỏi: Vợ chồng tôi muốn tặng cho đứa con đẻ mới 5 tuổi một ngôi nhà. Xin hỏi nếu tôi lập hợp đồng tặng cho có công chứng thì có được chấp nhận không?

            Trả lời: Vì cháu bé mới 5 tuổi (chưa thành niên) nên cần có người đại diện đứng ra thực hiện các giao dịch dân sự. Theo khoản 1 Điều 136 Bộ luật Dân sự thì “1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.” Nên cha mẹ có quyền thực hiện các giao dịch thay cho con. Trường hợp của bà, nếu làm hợp đồng tặng cho thì bà sẽ vừa đứng bên tặng cho vừa đứng bên nhận tặng cho với tư cách là người đại diện. Như vậy là vi phạm khoản 3 Điều 141 BLDS: “3. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

            Để giải quyết vướng mắc trên thì các tổ chức công chứng có thể để bạn lập văn bản (giấy) cam kết tặng cho con. Cách làm này không trái với quy định của pháp luật đồng thời đảm bảo được quyền lợi của gia đình bạn.

Câu 8: Hết thời hiệu khởi kiện

            Bà Trương Thị Diện (Kinh Môn, Hải Dương) hỏi: Ngày 1/1/2011, tôi cho bà Vũ Thị Hoa vay 200 triệu trong 6 tháng, nhưng hết 6 tháng mà bà Hoa vẫn không có khả năng thanh toán. Ngày 2/1/2014, tôi khởi kiện ra tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương nhưng tòa đã trả lại đơn khởi kiện của tôi với lý do tôi đã hết thời hiệu khởi kiện. Xin hỏi việc tóa án từ chối tôi có hợp lý hay không?

            Trả lời: Theo Điều 184 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015:

“1. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự.

2. Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.

Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.”

Mặt khác, theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện về hợp đồng như sau:

“Điều 429. Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”

Tuy nhiên, theo điểm b khoản 3 Điều 23 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP quy định đối với Tranh chấp hợp đồng vay tài sản như sau:

"b) Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản, đòi lại quyền sử dụng đất do người khác quản lý, chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.

             Vậy nên, theo quy định trên thì đối với tranh chấp cho vay tài sản thì khi phát hiện người vay quỵt nợ hoặc quá thời hạn ba năm thì người cho vay vẫn không mất quyền đòi nợ mà vẫn có quyền gửi đơn khởi kiện đến tòa án để yêu cầu giải quyết theo quy định. Như vậy, Tòa căn cứ vào việc hết thời hiệu để trả lại đơn khởi kiện của bạn là không đúng.

Câu 9: Người lao động tự ý bỏ việc không đến công ty làm, không viết đơn xin phép nghỉ có nhất thiết phải xử lý bằng hình thức cao nhất là sa thải không?

            Ông Hoàng Trọng Đan (Ngô Quyền, Hải Phòng) hỏi: Công ty tôi gặp phải khó khăn khi áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải nên muốn tư vấn về trường hợp như sau: Khi người lao động tự ý bỏ việc, không đến công ty làm, không viết đơn xin phéo nghỉ, doanh nghiệp khổng thể liên hệ được với người lao động thì chúng tôi có quyền xử lý kỷ luật người lao động bằng hình thức cao nhất là sa thải không?

            Trả lời: Theo Điều 126 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định:

“Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:

1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;

2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.

Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật này;

3. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.

Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động”.

Tại khoản 3, Điều 126 này, người sử dụng lao động chỉ có thể áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với người lao động nếu có chứng cứ chứng minh được hai vấn đề: thứ nhất, người lao động đã tự ý bỏ việc 05 ngày làm việc cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm; thứ hai, người lao động đã không cung cấp được lý do nghỉ việc, hoặc nghỉ việc mà không có lý do chính đáng như thiên tai, hỏa họan, bản thân hoặc thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

Như vậy, đối với trường hợp ông hỏi, người lao động tự ý bỏ việc không đến công ty làm, không viết đơn xin phép nghỉ, doanh nghiệp không thể liên hệ được với người lao động thì công ty vẫn phải có chứng cứ chứng minh hai điều kiện trên trước khi xử lý kỷ luật sa thải người lao động. Nếu công ty không chứng minh được hai điều kiện trên mà vẫn tiến hành xử lý kỷ luật sa thải người lao động vì lý do tự ý bỏ việc là vi phạm pháp luật.

Câu 10:

           Ông Vũ Trọng Sơn (Ba Đình, Hà Nội) hỏi: Ngày 28/9/2018, ông Nguyễn Trọng Khánh là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty cổ phần Gas TK có ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong công ty của ông cho tôi với giá chuyển nhượng là 1,5 tỷ đồng và đã nhận đủ số tiền của tôi. Tuy nhiên, sau đó ông Khánh không thực hiệc làm thủ tục đăng ký thay đổi Chủ tịch HĐQT của công ty. Ngày 15/8/2019, tôi đã nộp đơn khởi kiện ông Khánh ra Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Ông Khánh đã nói với tôi rằng tôi đã hết thời hiệu khởi kiện nên Tòa án sẽ không chấp nhận đơn khởi kiện của tôi. Xin hỏi việc nộp đơn của tôi có được Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội chấp nhận không?

           Trả lời: Thứ nhất, theo quy định tại Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự: “Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự”. Theo đó, tại Bộ luật dân sự 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện về hợp đồng như sau:

“Điều 429. Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì thực hiện như sau:

a) Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện;

b) Tranh chấp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.

Ngày 28/9/2018, ông và ông Khánh ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, ngày 15/8/2019 ông nộp đơn khởi kiện tại tòa án. Căn cứ theo điều luật nêu trên thì ông đã làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án trong thời hạn quy định (2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm), do đó Tòa án sẽ chấp nhận thụ lý để giải quyết.

Thứ 2, đây là tranh chấp về kinh doanh thương mại (mua bán cổ phiếu) giữa các cá nhân đều có mục đích lợi nhuận, cả 2 ông nếu đều cư trú tại thành phố Hà Nội thì căn cứ vào khoản 1 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự: “Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;”. Vụ tranh chấp này đúng là thuộc thẩm quyền của Tóa án nhân dân thành phố Hà Nội. Vì vậy việc khởi kiện của ông là hoàn toàn đúng pháp luật.

Câu 11: Thành lập công ty

             Bà Đỗ Hồng Vân (Thanh Xuân, Hà Nội) hỏi: Công ty tôi là Công ty TNHH xây dựng HV và công ty CPTM Việt Kim của ông Bùi Đức Huân thỏa thuận cùng góp vốn bằng nhau để thành lập một doanh nghiệp mới sản xuất vật liệu xây dựng đặt trụ sở chính tại Hà Nội. Xin hỏi 2 công ty chúng tôi có thể làm như vậy không?

             Trả lời: Theo Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014 qui định về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần và quản lý doanh nghiệp như sau:

1. Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;

c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;

d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.

3. Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

4. Thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình theo điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này là việc sử dụng thu nhập dưới mọi hình thức có được từ hoạt động kinh doanh, từ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào một trong các mục đích sau đây:

a) Chia dưới mọi hình thức cho một số hoặc tất cả những người quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này;

b) Bổ sung vào ngân sách hoạt động của cơ quan, đơn vị trái với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

c) Lập quỹ hoặc bổ sung vào quỹ phục vụ lợi ích riêng của cơ quan, đơn vị.”

Hai công ty của bà và ông Huân được phép góp vốn thành lập công ty mới vì công ty của ông bà không phải là một trong các tổ chức không được thành lập doanh nghiệp, do vậy thỏa mãn khoản 2 điều luật nêu trên.

Câu 12: Thẩm quyền giải quyết của Trung tâm Trọng tài

           Ông Lưu Đình Khôi (Uông Bí, Quảng Ninh) hỏi: Ngày 2/12/2009 tôi ký kết HĐ số 1 mua 1 căn hộ thuộc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh của công ty xây dựng và kinh doanh nhà Thành Đô.Ngày 30/1/2010 khi đến nhận thì tôi phát hiện chất lượng ngôi nhà ko đảm bảo như hợp đồng. Sau đó tôi đã có đơn khởi kiện công ty Thành Đô tại tòa án ND tỉnh Quảng Ninh (nơi công ty Thành Đô đặt trụ sở chính). Công ty Thành Đô phản đối thẩm quyền giải quyết của tòa vì cho rằng trong hợp đồng 01 có ghi rõ hai bên thỏa thuận mọi tranh chấp xảy ra sẽ được giải quyết tại trung tâm trọng tài Đất Việt. Xin hỏi trung tâm Trọng tài Đất Việt có thẩm quyền giải quyết vụ việc trên ko?

           Trả lời: Theo Điều 2 Luật trọng tài thương mại 2010 quy định như sau:

“Điều 2. Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài

1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.

2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.

3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài”.

            Theo đó thì tranh chấp của ông thuộc tranh chấp kinh doanh thương mại và trong hợp đồng có thỏa thuận trọng tài thì Trung tâm trọng tài Đất Việt có thẩm quyền giải quyết theo khoản 2 điều trên.

Câu 13:

           Ông Phạm Minh Hoàng (Lê Chân, Hải Phòng) hỏi: Tôi có một mảnh đất hợp pháp có diện tích 3000m2 ở quận Ngô Quyền Tp. Hải Phòng. Năm 2016, tôi chuyển nhượng khu đất này cho ông Nguyễn Hữu Thọ với giá 3,5 tỷ. Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất đã được 2 bên ký kết và được phòng công chứng quận Lê Chân chứng thực. Tuy nhiên trên thực tế, ông Thọ mới chỉ giao cho tôi 1,7 tỷ đồng và nói với tôi là ông chưa chắc mua khu đất này. Xin hỏi, hợp đồng của tôi vẫn có hiệu lực phải không?

           Trả lời: Ở đây, hợp đồng chuyển quyền sửu dụng đất đã được 2 bên ký kết và được phòng công chứng quận Lê Chân chứng thực. Theo quy định tại khoản 3 điều 167 luật đất đai 2013: “3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;

b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;

c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;

d) Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã."

Hợp đồng mua bán chuyển nhượng đất phải được thành lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp pháp luật có qui định khác, do đó hợp đồng giữa ông và ông Thọ hoàn toàn đúng pháp luật.

Câu 14: Chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có được chuyển nhượng quyền sử dụng đất không?

            Ông Trần Xuân Tiến (Từ Liêm, Hà Nội) hỏi: Gia đình tôi đang sống trên một thửa đất 70m2 từ tháng 12/2000 đến nay. Do nhiều lý do khác nhau cho đến thời điểm hiện nay gia đình tôi vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Gia đình tôi cũng không có bất cứ một loại giấy tờ nào về quyền sử dụng thửa dất trên. Xin hỏi, trong trường hợp này gia đình tôi có được quyền chuyển nhượng diện tích đất trên không?

            Trả lời: Theo luật Đất Đai quy định các điều kiện chung về chuyển nhượng quyền sử dụng đất như: có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất không có tranh chấp, quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án trong thời hạn sử dụng đất. Căn cứ vào điều trên thì trường hợp gia đình ông trước mắt không đủ điều kiện để chuyển nhượng quyền sử dụng đất một cách hợp pháp vì không có bất kỳ một loại giấy tờ nào cả. Tuy nhiên, gia đình ông hoàn toàn có quyền đi đăng ký để làm thử tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo Khoản 2 Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất

Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.

Do đó, sau khi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì gia đình ông hoàn toàn có đủ điều kiện để chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Câu 15: Tác phẩm được sáng tạo không phải dựa trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ thì quyền tài sản thuộc về ai?

             Anh Phan Thanh Khang (Cẩm Phả, Quảng Ninh) hỏi: Tôi là một cán bộ kỹ thuật của nhà máy sản xuất dụng cụ gia đình được giao sửa chữa, bảo trì thiết bị để quá trình sản xuất không bị gián đoạn, do tích lũy được nhiều kinh nghiệm nên tôi đã viết cuốn sách “Hướng dẫn sử dụng và khắc phục các sự cố liên quan” đối với thiết bị mà tôi vẫn thường làm việc. Xin hỏi quyền tác giả này sẽ thuộc về tôi hay nhà máy của tôi?

            Trả lời: Theo quy định tại 37 của Luật sở hữu trí tuệ 2005: “Tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm có các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 và các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này”. Do đó, toàn bộ quyền tác giả sẽ thuộc về anh chứ không thuộc về nhà máy, vì việc viết sách này dựa vào thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật, kinh nghiệm của bản thân anh nên anh có các quyền theo quy định tại các điều luật nêu trên.

Câu 16:                                         

           Ông Nghiêm Bá Giảng (Từ Liêm, Hà Nội) hỏi: Công ty TNHH CIM của tôi được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng. Công ty tôi muốn quảng cáo vật liệu nhân giống của giống đã được bảo hộ trên một website và còn xuất khẩu vật liệu nhân giống này sang Trung Quốc và Nam Phi. Xin hỏi, công ty tôi có được phép làm như vậy không?

           Trả lời: Theo quy định tại Điều 186 Luật Sở hữu trí tuệ (được sửa đổi bởi Khoản 22 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009), công ty ông là chủ bằng bảo hộ giống cây trồng nên công ty ông có rất nhiều quyền như sau liên quan đến vật liệu nhân giống của giống đã được bảo hộ:

“Điều 186. Quyền của chủ bằng bảo hộ
1. Chủ bằng bảo hộ có quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng các quyền sau đây liên quan đến vật liệu nhân giống của giống đã được bảo hộ:
a) Sản xuất hoặc nhân giống;
b) Chế biến nhằm mục đích nhân giống;
c) Chào hàng;
d) Bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường khác;
đ) Xuất khẩu;
e) Nhập khẩu;
g) Lưu giữ để thực hiện các hành vi quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này.
2. Quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng đối với vật liệu thu hoạch thu được từ việc sử dụng bất hợp pháp vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ, trừ trường hợp chủ bằng bảo hộ đã có cơ hội hợp lý để thực hiện quyền của mình đối với vật liệu nhân giống nhưng không thực hiện.
3. Ngăn cấm người khác sử dụng giống cây trồng theo quy định tại Điều 188 của Luật này.
4. Để thừa kế, kế thừa quyền đối với giống cây trồng và chuyển giao quyền đối với giống cây trồng theo quy định tại Chương XV của Luật này.”

 

 

Đăng bởi Admin.

Dịch vụ liên quan

KIỂM TRA HIỆN TRẠNG CÁC CÔNG TRÌNH LIỀN KỀ KHI XÂY DỰNG NHÀ Ở

Ngày đăng: 28-11-2019

TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT LÀ DI SẢN THỪA KẾ

Ngày đăng: 02-12-2019

ĐỐI TƯỢNG THUÊ NHÀ Ở SINH VIÊN

Ngày đăng: 03-12-2019

CẤP LẠI BẢN CHÍNH GIẤY KHAI SINH

Ngày đăng: 04-12-2019

TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

Ngày đăng: 09-12-2019

NGHỈ HƯU TRƯỚC TUỔI DO SUY GIẢM KHẢ NĂNG LAO ĐỘNG

Ngày đăng: 09-12-2019
Hotline: 0989 337 688
Zalo: 0989 337 688
0989 337 688