GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT (PHẦN 3)
Câu 1: Thủ tục sang tên sổ hồng khi chủ sở hữu qua đời?
Chị Cao Phương Nga (Quận 6, Tp.HCM) hỏi: Mình hiện có 1 vấn đề là sổ hồng của nhà đang ở do cha mình đứng tên, nhưng ông mất nhiều năm trước, hiện sổ hồng thì ông đứng tên, sổ đỏ thì mẹ mình đứng tên, cả nhà muốn làm thủ tục sang tên sổ hồng cho mẹ đứng tên thì cần những giấy tờ gì ạ?
Nhà có hỏi 1 người quen làm trong nhà đất thì khi làm giấy tờ cần có khai sinh ông bà nội (cha,mẹ của cha) khai sinh anh em ruột của cha, chứng nhận kết hôn của ông bà nội..v..v mà những giấy tờ đó bên phường ko còn giữ nữa thì có phải cần thiết những loại giấy đó không ạ ?
Nếu theo thừa kế pháp luật thì mặc định mẹ của mình là người thừa kế tiếp theo, tại sao cần nhiều giấy tờ của những người ngoài gia đình vậy ạ?
Mong các luật sư giải đáp giúp.
Trả lời: Do bố bạn mất không để lại di chúc nên tài sản của của bố bạn được chia cho người thừa kế theo pháp luật. Tại Điều 651 Bộ luật Dân sự quy định Người thừa kế theo pháp luật:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.”
…
Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Từ chối nhận di sản:
“1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”.
Theo đó, sau khi bố bạn mất mà không để di chúc thì tài sản của bố bạn sẽ chia theo pháp luật và chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất nêu trên. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Nhưng trước tiên cần xác định quyền sử dụng đất đó là tài sản chung hay tài sản riêng của bố mẹ bạn. Nếu là tài sản chung thì đầu tiên sẽ chia đôi tài sản đó cho bố và mẹ bạn, mỗi người được 1 nửa tài sản. Sau đó, nửa tài sản của bố bạn sẽ chia theo pháp luật.
Nếu là tài sản riêng của bố bạn thì sẽ tiến hành chia tài sản theo pháp luật.
Việc tiến hành chia di sản thừa kế theo pháp luật do những người thuộc hàng thừa kế thỏa thuận với nhau. Nếu không thỏa thuận được thì nhờ bên cơ quan có thẩm quyền sẽ phân chia di sản thừa kế đó.
Trường hợp những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của gia đình bạn thỏa thuận với nhau sẽ để lại tài sản là quyền sử dụng đất đó cho mẹ bạn đứng tên. Việc thỏa thuận này có thể là tặng cho phần di sản của mình cho mẹ bạn đứng tên hoặc những người thuộc hàng thừa kế từ chối nhận di sản và để lại cho một mình mẹ bạn đứng tên.
Trường hợp những người thuộc hàng thứa kế thứ nhất đã từ chối nhận di sản( thủ tục từ chối nhận di sản được tiến hành theo quy định của pháp luật) và để lại toàn bộ cho mẹ bạn đứng tên trên toàn bộ quyền sử dụng đất thì sau này những người thuộc hàng thừa kế đó sẽ không có quyền đối với tài sản này nữa. Nên khi mẹ bạn muốn chuyển nhượng, tặng cho hay để lại di chúc thì sẽ không cần có sự đồng ý của những người đó nữa. Một mình mẹ bạn là người tự định đoạt tài sản đó.
Thủ tục khai nhận di sản thừa kế được tiến hành: Tất cả những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của bố bạn.
+ Nếu ông bà nội bạn mất trước bố bạn thì người được hưởng di sản do bố bạn để lại gồm: mẹ bạn và các anh/chị/em của bạn.
+ Nếu ông bà nội bạn mất sau bố bạn thì người được hưởng di sản do bố bạn để lại gồm: ông nội, bà nội, mẹ bạn và các anh/chị/em của bạn. Vì ông, bà nội đã mất nên phần di sản mà ông bà nội được hưởng từ bố bạn sẽ được chia cho những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của ông bà (xác định như đối với trường hợp của bố bạn).
- Cơ quan tiến hành: Bất kỳ tổ chức công chứng nào trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi có bất động sản.
- Bộ hồ sơ yêu cầu công chứng gồm:
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
+ Giấy chứng tử của bố bạn;
+ Giấy tờ tùy thân của các thừa kế;
+ Những giấy tờ khác (như: giấy khai sinh của anh/chị/em bạn; giấy chứng tử của ông bà nội; giấy đăng ký kết hôn của bố mẹ bạn …).
Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản; trong trường hợp không có nơi thường trú, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn của người đó. Nếu không xác định được cả hai nơi này, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi có bất động sản của người để lại di sản.
Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo Điều 49 Luật Công chứng. Trong văn bản, những người thừa kế khác có thể tặng cho toàn bộ quyền hưởng di sản cho mẹ bạn để mẹ bạn trở thành chủ sử dụng toàn bộ thửa đất do bố bạn để lại.
Câu 2: Giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi?
Chị Trần Hoài Anh (Bình Thạnh, Tp.HCM) hỏi: Kính mong luật sư giải đáp thắc mắc về giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi giúp con ạ?
Con 23t và chồng 30t, lấy nhau năm 2018. Vì không cùng chung chí hướng nên con và chồng có ý định kết thúc hôn nhân. Có con chung là 1 bé gái 18 tháng tuổi. Con ở tp, còn chồng thì ở quê. Nhà chồng có 2 anh chị đã có gia đình và mỗi gia đình đều có 2 con, chồng là con út, 2 gia đình anh và chị đều có nhà riêng, nhưng ở gần sát bên nhà ba mẹ chồng. Nhà mẹ đẻ con thì có ba mẹ và 2 chị em con thôi, em con và ba đều đã đi làm. Em con chưa lập gia đình và không có ý định lấy chồng. Nên mẹ con thì chỉ có 1 đứa cháu là con của con.
Con đã từng có thời gian sống chung với nhà ba mẹ chồng, nhưng 2 vợ chồng luôn xảy ra mâu thuẫn từ việc nuôi con, chồng thì luôn nghe lời mẹ dù đúng hay sai. Ở quê không tìm được việc thích hợp nên tụi con đã ra riêng và lên tp sinh sống ở nhà ngoại. Chồng con đi làm thu nhập trung bình 6tr/tháng. Con thì ở nhà chăm bé cùng bà ngoại, và con đang trong thời gian tìm việc.
Tuy chồng đi làm nhưng không tập trung lo kiếm tiền, cứ cách 2 tháng là bà nội tìm cớ để gọi 2 vợ chồng về. Con muốn bé sinh sống và học tập trên tp ở cùng bà ngoại, nhưng ba bé thì nghe lời bà muốn cháu học ở quê. Hộ khẩu con cũng đã cắt về nhà chồng. Chồng thì có chí hướng về quê lập nghiệp, con thì muốn lập nghiệp ở TP và cho bé ăn học tại đó.
Vì lý do 2 vợ chồng không cùng chí hướng nên con và chồng quyết định ly hôn. Nếu như ly hôn bé của con có được theo mẹ không ạ? Bên nhà chồng không có ý định nhường cháu cho con ạ. Con chỉ tốt nghiệp cấp 2, còn chồng thì học tới lớp 8 ạ. Kính mong quý luật sư giúp đỡ để con giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Con xin cảm ơn ạ.
Trả lời: Theo những gì bạn trình bày, theo tôi hai vợ chồng bạn chưa đến mức phải ly hôn, vợ chồng bạn và hai bên gia đình nên ngồi lại để lựa chọn phương án tốt nhất. Bởi lẽ, một đứa trẻ sống chung cùng cha và mẹ sẽ có đầy đủ tình thương của ba và mẹ hơn.
Theo khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Tuy nhiên, hiện tại bạn chưa có việc làm, nếu ly hôn thì có thể sẽ không có quyền nuôi con. Do đó, bạn nên cân nhắc vấn đề này.
Câu 3: Quan hệ với người 17 tuổi có bị tội gì không?
Bạn Trần Minh Anh (Ba Vì, Hà Nội) hỏi: Dạ em chào luật sư ạ. em có lỡ chót quan hệ với người 17t tại nhà e ạ. Và bh e muốn chia tay thì ngta có doạ gia đình là kiện em. Mới đầu khi vô nhà em thì cũng chỉ ôm ấp nhưng sau khi gần gũi nhau em có hứa hẹn nếu cho e quan hệ thì em sẽ đợi học hết rồi cưới. Nhưng bh khi 2 bên không còn tình cảm thì e nói chia tay. Vậy luật sư cho e lời khuyên ạ. em cảm ơn ạ
Trả lời: Vì bạn gái em đã 17 tuổi nên nếu việc quan hệ là hoàn toàn tự nguyện thì em không bị kết tội gì cả. Trường hợp là do em cưỡng ép, bắt buộc trái với ý muốn của cô ta thì em sẽ bị xử lý về tội hiếp dâm hoặc cưỡng dâm.
Tuy nhiên, cho dù là hoàn toàn tự nguyện thì em cũng phải dừng lại ngay lập tức vì cô ta vẫn là trẻ vị thành niên, cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới thì không thể duy trì việc quan hệ trước hôn nhân như vậy là trái thuần phong mỹ tục của người VN.
Câu 4: Tài sản hình thành sau khi chồng mất có phải là tài sản chung trong hôn nhân?
Anh Nguyễn Văn Quảng (Tp. Hà Tĩnh) hỏi: Chào các anh/chị ạ.
Mọi người cho e hỏi vấn đề này ạ:
- Bố mẹ kết hôn năm 1993. Trước đấy bố đã kết hôn và có 2 ng con với vợ trước.
- Năm 2003 bố e mất.
- Năm 2015 mẹ e được cấp bìa đất (nguồn gốc đất: Cty nơi mẹ công tác chia đất cho công nhân ở). Trên bìa chỉ có tên mẹ e.
- Hiện tại mẹ e đã mất, người con được phân cho bố nuôi khi ly hôn cũng đã mất. chỉ còn em và người con đã phân cho vợ trước bố nuôi khi ly hôn.
Cho e hỏi tài sản của mẹ em có tính là TS chung trong hôn nhân không. Và phần TS này hàng thừa kế thứ nhất có người con kia của bố không ạ?
Em xin cảm ơn quý anh/chị!
Trả lời: Theo Điều 65 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì "hôn nhân chấm dứt kể từ thời điểm vợ hoặc chồng chết". Theo thông tin bạn cung cấp thì năm 2003 bố bạn mất, do đó mà hôn nhân của bố và mẹ bạn cũng chấm dứt từ năm 2003.
Năm 2015 mẹ bạn được cấp bìa đất (nguồn gốc đất là do công ty nơi mẹ bạn công tác chia đất cho công nhân ở), trên bìa đất chỉ có tên mẹ bạn. Thời điểm này quan hệ hôn nhân của bố và mẹ đã không còn tồn tại.
=> Như vậy thì tài sản này được xác định là tài sản riêng của mẹ, không phải là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
* Về người hưởng thừa kế từ tài sản của mẹ
Do mẹ mất không để lại di chúc nên sẽ chia thừa kế theo pháp luật. Căn cứ vào Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:
"Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản."
Như vậy thì người thuộc hàng thừa kế thứ nhất là bạn, không có người con riêng của bố.
Câu 5: Xe chở hàng và chở nhân viên của công ty có phải đổi qua biển màu vàng không?
Anh Trịnh Văn Nam (Dĩ An, Bình Dương) hỏi: Chào Luật Sư!
E được biết thông tư 58/2020/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/08 là phải đổi biển số xe sang xe biển số mầu vàng đối với loại hình xe kinh doanh vận tải.
Công ty em hiện đang có 4 chiếc xe tải chở hàng và 1 chiếc xe 16 chổ chở công nhân viên. Công ty em kinh doanh sản xuất kính chứ không kinh doanh vận tải.
Vậy Luật Sư cho em hỏi công ty em có cần phải đổi biển số xe sang màu vàng không?
Nhờ Luật Sư tư vấn dùm em!
Trân trọng!
Trả lời: Căn cứ vào khoản 2 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.
Nếu thuộc trường hợp nêu trên thì phải đổi qua biển sổ màu vàng (thực hiện trước ngày 31/12/2021) theo Thông tư 58/2020/TT-BCA.
Nếu công ty bạn không thuộc kinh doanh vận tải thì không phải thực hiện đổi sang biển số màu vàng.
Câu 6: Ngân hàng vi phạm chứng từ doanh nghiệp.
Anh Trần Văn Thạnh (Hồng Bàng, Hải Phòng) hỏi: Tôi là giám đốc công ty XNK, hiện nay bên phía ngân hàng đang làm sai lệch tất cả những giao dịch trong sổ phụ của công ty tôi từ năm 2018 đến nay, vậy tôi xin hỏi tôi cần làm gì và làm như thế nào ạ? tất cả sổ phụ sao kê usd và vnđ tôi đang chứng minh được là phía ngân hàng đang sai phạm. Tôi có thể nghe được giải đáp từ phía luật sư không ạ! Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời: Chào bạn,
Theo tôi, trong trường hợp này hai bên nên ngồi lại với nhau để cũng giải quyết vướng mắc, nếu sai sót nào sửa được thì nên sửa, và có thể thoả thuận bồi thường thiệt hại (nếu có).
Tất cả trên tinh thần thiện chí để đỡ tốn thời gian, tiền bạc của các bên, trong trường hợp bất đắc dĩ mới dùng đến kiện tụng.
Câu 7: Thắc mắc về thời gian tính thuế
Chị Hải Yến (Quận 1, Tp.HCM) hỏi: Thời gian tính thuế sau khi cập nhật “người nộp thuế không hoạt động tại địa điểm đã đăng kí”
Cho em hỏi về việc cơ quan thuế có cập nhật ngày 13/3/2019 trên hệ thống thông tin thuế hộ kinh doanh của em "NNT không hoạt động tại địa điểm đăng kí" và em cũng không kinh doanh kể từ tháng 2/2019 nhưng em đã hoàn thành kì thuế quý 1/2019. Vậy cho em hỏi sau ngày 13/3/2019 khi cơ quan thuế thông báo tình trạng nnt của em vậy thì cơ quan thuế có tiếp tục tính thuế đối với hộ kinh doanh của em không (vì giấy phép kd của em chưa nộp trả cho cơ quan đăng kí để chấm dứt), bên cạnh đó từ đầu tháng 4/2019 em cũng không nhận được bất cứ thông báo đóng thuế và kê khai thuế nào từ cơ quan thuế ạ. Em rất mong nhận được phản hồi từ Luật sư ạ.
Trả lời: Chào em.
Việc cơ quan thuế cập nhật trên hệ thống với nội dung: NNT không khoạt động tại địa điểm đăng ký chỉ là cập nhật nội bộ của cơ quan thuế nhằm cho biết tình trạng người nộp thuế không còn hoạt động tại điểm điểm kinh doanh đăng ký nữa và không biết đã chuyển đi đâu chưa thấy đăng ký mới chứ không có nghĩa là người nộp thuế đã chấm dứt hoạt động, không còn phải đóng thuế nữa nên dĩ nhiên nghĩa vụ thuế vẫn phát sinh chứ chưa chấm dứt. Do vậy, nếu hộ kinh doanh chấm dứt hoạt động thì phải gởi thông báo chấm dứt hoạt động đến cơ quan đã cấp phép kinh doanh hộ gia đình, liên hệ cơ quan thuế để đóng mã số thuế thì mới xem là chấm dứt hoạt động hợp lệ.
Câu 8: Nghỉ làm ở công ty nhưng vẫn sử dụng các fanpage, trang mạng tên công ty có phải trả lại hay không?
Anh Cao Thái Nguyên (Hải Châu, Đà Nẵng) hỏi: Thưa Luật sư
Tôi có một bạn nhân viên hiện đã nghĩ làm ở cty của tôi rồi, mà khi còn làm thì bạn có tạo một trang fanpage facebook mang tên cty để bán hàng cho cty. Nhưng khi bạn nghĩ việc tôi có yêu cầu bạn ấy bàn giao lại thì bạn ấy nói ko được vì fanpage đó là do bạn ấy tạo.
Hiện tại đã nhiều tháng chúng tôi vẫn thấy bạn đăng tin trên trang đó thì chúng tôi có yêu cầu ngưng nhưng bạn ấy ko chấp chận và sự dụng để vào mục đích buôn bán cá nhân mang dan của cty chúng tôi. bạn ấy đang giữ 1 trang web và 1 fanpage facebook đăng ký tên chúng tôi
Tôi xin hỏi là bạn ấy làm vậy là có vi phạm hay không và nếu vi phạm thì nằm vào khoản nào của bộ luật, và nếu chúng tôi kiện bạn ấy thì có được hay không?
Xin cảm ơn Luật sư
Câu 9: Thủ tục xin đất/thuê đất nông nghiệp để trồng dược liệu và làm khu nghỉ dưỡng
Ông Mai Văn Tỉnh( thị trấn Sa Pa, Lào Cai) hỏi: Xin chào các Luật sư,
Tôi muốn hỏi về thủ tục để xin đất/ thuế đất nông nghiệp, mong các Luật sư tư vấn, giúp đỡ.
Tôi muốn xin đất/ thuê đất của Nhà nước để trồng dược liệu, vườn rau củ sạch tích hợp khu nghỉ dưỡng, diện tích cần xin/thuê là 10 hecta.
1. Khi tìm hiểu thông tin trên các trang mạng, tôi biết được để xin đất/thuê đất cần chuẩn bị các tài liệu sau đây:
- Đơn xin giao đất/ cho thuế đất.
- Trích lục bản đồ địa chính. ( Bản đồ này xin từ Phòng TNMT huyện đó)
- Văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất. (Có trong giấy chứng nhận đầu tư)
Hiện tại, chúng tôi chỉ có giấy đăng ký kinh doanh của công ty hiện tại, được công bố hoạt động ở nhiều lĩnh vực nhưng không có mục trồng trọt nông sản và kinh doanh khu nghỉ dưỡng. Vậy trong trường hợp này, xin hỏi liệu chúng tôi có thể sửa đổi giấy ĐKKD để phù hợp với các mục này không? Nếu không, chúng tôi sẽ cần phải lập công ty mới và làm các thủ tục xin giấy chứng nhận đầu tư có phải không ạ?
2. Đối với xin đất/ thuê đất nông nghiệp thì việc tích hợp xây dựng khi nghỉ dưỡng có phù hợp với mục đích sử dụng đất nông nghiệp không? Xin hãy cho tôi biết.
Chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của các Luật sư ạ.
Trân trọng!
Trả lời: Trong trường hợp này để thuận lợi công ty bạn muốn có thủ tục để xin đất/ thuê đất nông nghiệp tức là Công ty bạn cần phải đầu tư.
Theo thông tin bạn cung cấp thì giấy đăng ký kinh doanh của công ty hiện tại, không có mục trồng trọt nông sản và kinh doanh khu nghỉ dưỡng. Để tiến hành hoạt động đầu tư đúng ngành nghề của mình, đầu tiên Công ty bạn cần phải thực hiện thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh có mục trồng trọt nông sản và kinh doanh khu nghỉ dưỡng. Hiện nay, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp không còn được thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như trước đây. Trường hợp doanh nghiệp bổ sung, thay đổi ngành nghề kinh doanh sẽ được cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp.
Sau đó Công ty bạn phải tiến hành phác thảo dự án đầu tư. Nếu dự án Công ty bạn muốn thực hiện về để trồng dược liệu, vườn rau củ sạch tích hợp khu nghỉ dưỡng có diện tích từ 1000m2 trở lên thì phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nếu không thuộc các trường hợp này thì phải làm kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2014, Phụ lục Nghị định 18/2015/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác.
Bước tiếp theo là xin chủ trương đầu tư từ UBND tỉnh theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư năm 2014, bởi dự án đầu tư này thuộc diện phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư. Hồ sơ, thủ tục xin cấp chủ trương đầu tư được quy định tại Điều 33 Luật Đầu tư. Sau khi đã có sự đồng ý của UBND tỉnh về chủ trương đầu tư, bạn sẽ phải tiến hành thủ tục thuê đất theo quy định tại Điều 52, 56 Luật Đất đai 2013; khoản 3 Điều 68 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Điều 3,4 Thông tư 30/2014/BTNMT.
Đối với xin giao đất/ thuê đất nông nghiệp thì việc tích hợp xây dựng khu nghỉ dưỡng có phù hợp với mục đích sử dụng đất nông nghiệp thì tùy vào phác thảo dự án đầu tư và có được chấp thuận chủ trương đầu tư hay không thì phải phụ thuộc vào cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Câu 10: Chủ nhà không trả lại tiền cọc thuê nhà sẽ bị xử lý hình sự hay dân sự?
Chị Trương Ngọc Lan (Quận Tân Bình, Tp.HCM) hỏi: Tôi là được bố tôi ủy quyền( ủy quyền miệng) cho thuê 1 căn hộ chung cư, với giá 6 triệu 1 tháng, đặt cọc 3 tháng. Nhưng vì sinh nhiu vấn đề không thống nhất, nên tôi hủy hợp đồng, và có thông báo cho bên thuê, và tôi chấp nhận trả cọc 3 tháng tiền nhà 18 triệu. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, và tiền cọc tôi đã sử dụng mục đích cá nhân lỡ mua sắm tiêu xài hết, tôi có trình bày và xin bên cho thuê trả chậm, sau đó tôi có thất hứa 2 lần, đến lần thu 3 tôi trả 2 triệu trong tổng số 18 triệu. và xin khất thêm 20 ngày, bên thuê không đồng ý có cho nguoi xuống đe dọa giết tôi và dán giấy khắp cửa nhà, khóa trái cửa khủng bố tinh thần tôi. Bên thuê đã làm đơn tố cáo tôi chiếm đoạt tài sản lừa đảo, và lạm dụng tín nhiêm, ra công an phường. Phía công an phường có nhờ bên tổ dân phố xác minh sự việc 2 bên.
Xin thưa hỏi các luật sư 2 điều:
1) Tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì không trả cọc không( tôi có trả trước 2 triệu và xin khất 16 triệu)
2) Bên công an phường có trách nhiệm giai quyết đơn thưa dân sự nhu vây không.và cách họ đang làm có đúng không?
Trả lời: Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn nhận đặt cọc thông qua hợp đồng đặt cọc đã nhận của người thuê nhà để đảm bảo cho việc giao kết hợp đồng thuê nhà. Như vậy nếu tại thời điểm phải giao kết hợp đồng thuê nhà theo cam kết của hai bên trong hợp đồng đặt cọc mà bên nhận đặt cọc không thực hiện thì bên nhận đặt cọc vi phạm hợp đồng và phải trả lại tiền đặt cọc và bị phạt cọc.
Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về đặt cọc. Cụ thể:
“Điều 328. Đặt cọc
1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Theo đó, vì bạn là bên nhận cọc đơn phương chấm dứt hủy hợp đồng thuê nhà nên sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường. Nếu hợp đồng không có thỏa thuận khác về trách nhiệm giữa các bên với nhau khi chấm dứt thì sẽ áp dụng quy định pháp luật để giải quyết, tức bạn nhận 18 triệu thì có trách nhiệm hoàn trả số tiền này cho người thuê nhà.
Theo qui định tại khoản 3 điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì tranh chấp hợp đồng dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án, do đó nếu hai bên không tự giải quyết được thì bên thuê nhà khởi kiện yêu cầu Toà án bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình bằng cách buộc bạn phải trả lại cho họ số tiền đã đặt cọc.
Về sự việc này của bạn chưa có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự nên Cơ quan có thẩm quyền không khởi tố bạn vì đó chỉ là quan hệ dân sự.
Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý nhanh chóng, uy tín và hiệu quả!
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ROYAL
Địa chỉ: Phòng 802, Tòa nhà HH2 - Bắc Hà, số 15 Phố Tố Hữu, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội, Vietnam.
Điện thoại: (84-24) 3512 2931 - 6294 0932
Email: vplsroyal@gmail.com
Hotline: 0989 337 688
Đăng bởi Admin.