ĐĂNG KÝ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN
Trong thế giới hiện đại, lao động trí tuệ là một trong những yếu tố được đề cao và đóng góp không nhỏ vào thành công của cá nhân và doanh nghiệp. Khi một sản phẩm trí tuệ ra đời cũng là lúc phát sinh quyền tác giả cũng như quyền liên quan. Việc đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan như một biện pháp bảo vệ các quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả cũng như chủ sở hữu. Bài viết dưới đây sẽ tóm tắt sơ lược về thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
1. Người nộp và cách thức nộp hồ sơ quyền tác giả, quyền liên quan
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân khác, thông thường là tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan (Tương tự như ăn phòng luật sư Royal) nộp 01 hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cá nhân, pháp nhân nước ngoài có tác phẩm, chương trình biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan nộp đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Cục Bản quyền tác giả.
Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả
2. Hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan
a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả sử dụng
Mẫu số 1: Tờ khai đăng ký quyền tác giả (click để xem và tải Tờ khai đăng ký quyền tác giả)
Người biểu diễn, Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình và Tổ chức phát sóng đăng ký quyền liên quan sử dụng
Mẫu số 2: Tờ khai đăng ký quyền liên quan (click để xem và tải Tờ khai đăng ký quyền liên quan)
Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.
b) 02 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc 02 bản sao bản định hình đăng ký quyền liên quan.
01 bản lưu tại Cục Bản quyền tác giả, 01 bản đóng dấu ghi số Giấy chứng nhận đăng ký gửi trả lại cho chủ thể được cấp Giấy chứng nhận đăng ký. Đối với những tác phẩm có đặc thù riêng như tranh, tượng, tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng gắn với công trình kiến trúc; tác phẩm có kích thước quá lớn, cồng kềnh bản sao tác phẩm đăng ký được thay thế bằng ảnh chụp không gian ba chiều (lưu ý in ảnh màu).
c) Giấy uỷ quyền hoặc hợp đồng ủy quyền, nếu người nộp hồ sơ là người được uỷ quyền;
d) Tài liệu chứng minh quyền nộp hồ sơ, nếu người nộp hồ sơ thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa như hợp đồng, tuyên bố quyền tác giả và chủ sở hữu,...)
đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
Bên cạnh mẫu tờ khai, các tài liệu phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và có công chứng/chứng thực. Các tài liệu gửi kèm hồ sơ nếu là bản sao phải có công chứng, chứng thực.
3. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan cho người nộp hồ sơ. Trong trường hợp từ chối thì Cục Bản quyền tác giả phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ.
Bản quyền bài viết thuộc về Văn phòng Luật sư Royal, cấm sao chép dưới mọi hình thức
Đăng bởi Admin.